Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc quý I bốc hơi 36,7%
Tờ South China Morning Post hôm nay đưa tin các công ty công nghiệp Trung Quốc chứng kiến lợi nhuận giảm 36,7% trong 3 tháng đầu năm, dẫn đầu bởi sự sụt giảm 187,9% lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí năng lượng. Các doanh nghiệp này chứng kiến khoản lỗ 24,7 tỷ CNY, giảm mạnh từ mức lãi 28,5 tỷ CNY hồi quý I/2019.
Các công ty sản xuất máy móc, thiết bị báo cáo lợi nhuận lao dốc 84,3%. Lợi nhuận ngành công nghiệp ô tô bốc hơi 80,2%, trong khi lợi nhuận lĩnh vực công nghiệp hóa chất giảm 56,5% và lĩnh vực chế biến kim loại màu giảm 55,7% trong quý I/2020.
39/41 ngành công nghiệp của Trung Quốc báo lỗ trong quý đầu tiên, trừ ngành sản xuất thuốc lá và chế biến thực phẩm.
Phân theo khu vực kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp công nghiệp nhà nước giảm mạnh 45,5% trong khi các doanh nghiệp tư nhân chứng kiến mức giảm lợi nhuận 29,5%.
Trong tháng 3, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc giảm 34,9%, nhích nhẹ so với mức giảm kỷ lục 38,3% trong hai tháng đầu năm. Nhưng sự phục hồi chậm chạp cho thấy thách thức lớn của việc hồi sinh nền kinh tế sau nhiều tuần liền phong tỏa, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều thị trường lớn của Trung Quốc như Mỹ, Châu Âu đang bị đặt dưới các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên từng ngày. Chuỗi cung ứng gián đoạn cùng nhu cầu lao dốc đã gây áp lực kéo lên ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, khiến hàng tồn kho tăng vọt, giá sản phẩm công nghiệp giảm còn chi phí sản xuất leo thang.
Công ty tư vấn kinh tế Trivium Trung Quốc trong một báo cáo mới đây ước tính khoảng 82,8% các hoạt động kinh tế đã phục hồi trở lại so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng các doanh nghiệp đang đối mặt với đòn giáng thứ hai khi kim ngạch thương mại giảm mạnh, các đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hàng loạt do nhu cầu quốc tế giảm sâu.
Trong quý I/2020, GDP Trung Quốc đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tốc đầu tiên kể trong nhiều thập kỷ. Tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán được coi là tâm chấn dịch bệnh tại Trung Quốc, thậm chí chứng kiến GDP thu hẹp 40% trong quý đầu tiên.
Khi viễn cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm, các nhà kinh tế đã cảnh báo về khả năng phục hồi mong manh của nền kinh tế Trung Quốc. Số liệu thống kê từ CPB World Trade Monitor công bố hôm 24/4 chỉ ra khối lượng thương mại toàn cầu giảm 1,4% trong tháng 1 và 1,5% trong tháng 2. Các con số sẽ còn tồi tệ hơn trong tháng 3 và tháng 4, thời điểm các quốc gia phương Tây lần lượt áp dụng lệnh phong tỏa hoặc cách ly xã hội. Trước đó, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cảnh báo kim ngạch thương mại toàn cầu có nguy cơ giảm 13-32% trong năm 2020, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài sự bùng phát đại dịch.
Kim ngạch xuất khẩu đóng góp tới 1/5 vào quy mô GDP Trung Quốc. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc cũng sử dụng lượng lớn lao động trong nền kinh tế. Do đó, việc các công ty xuất khẩu ăn nên làm ra là yếu tố quan trọng giúp Bắc Kinh duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức tối thiểu. Dù số liệu thống kê từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 đã giảm xuống 5,9% từ mức kỷ lục 6,2% hồi tháng 2, nhưng con số này vẫn không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh của thị trường lao động do không tính đến người lao động nhập cư - lực lượng dễ tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Một ước tính gần đây cho thấy 205 triệu công nhân Trung Quốc có thể mất việc do nguy cơ suy thoái kinh tế.