Nhà máy Trung Quốc thành điểm sáng duy nhất của ngành công nghiệp xe hơi
Khi Trung Quốc gần như dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa; cho phép nhà máy và doanh nghiệp vận hành trở lại, nhiều nhà sản xuất xe hơi lớn trên thế giới như General Motors, Volkswagen, Mercedes-Benz and BMW coi đây là điểm sáng duy nhất để vực dậy tình hình kinh doanh bết bát trong 3 tháng đầu năm.
Giám đốc tài chính Daimler Harald Wilhelm mới đây dự đoán doanh số bán dòng xe xa xỉ Mercedes-Benz sẽ tiếp tục giảm mạnh ở Châu Âu và Mỹ trong tháng Tư do dịch bệnh. Nhưng chỉ trong tháng Ba, khi Trung Quốc bắt đầu “mở cửa” trở lại, doanh số bán xe đã tăng vọt ở thị trường này, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi đồng thời đóng góp phần lớn vào lợi nhuận công ty trong quý 1.
Theo đó, Daimler bán được 61.913 xe ở Trung Quốc, gần bằng doanh số cùng kì năm ngoái. Cho đến cuối tháng Ba, quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng của công ty này ở Trung Quốc đã gần như được phục hồi 100%. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng với các nhà sản xuất ô tô cũng như các bên cung ứng liên quan.
Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc thông báo có 1,05 triệu xe hơi mới được bán ra vào tháng Ba, giảm 40% so với cùng kì năm ngoái, nhưng tăng đến 79% so với doanh số vào tháng Hai. Tuy nhiên, nhu cầu mua bán xe hơi toàn cầu vẫn sẽ chững lại do đại dịch vẫn đang bùng phát ở Châu Âu và Bắc Mỹ. IHS Markit dự đoán doanh số bán ô tô toàn cầu sẽ giảm 19% so với năm ngoái xuống còn 72 triệu xe, trong khi trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007-2009, doanh số xe hơi toàn cầu chỉ giảm 8%.
Theo ông Stephan Wöllenstein, giám đốc điều hành Tập đoàn Volkswagen Trung Quốc, sự tăng trưởng trở lại trong tháng Ba đặt ra triển vọng mới cho việc phục hồi sản xuất hoàn toàn cho Volkswagen vào tháng Sáu, nếu không có thêm bất cứ gián đoạn nào khác. Volkswagen cũng công bố sẽ chuyển 1.700 công nhân ở các nhà máy linh kiện của mình ở Đức đến các nhà máy ở Trung Quốc nhằm tăng cường sản xuất.
Tuy nhiên ngay cả khi chuỗi sản xuất được phục hồi, các lãnh đạo trong ngành và chuyên gia phân tích khuyến khích chính phủ Trung Quốc tăng cường các chính sách hỗ trợ giá nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Cùng với đó, khả năng bùng nổ dịch bệnh lần 2 tại Trung Quốc vẫn là mối lo ngại.
Dù vậy nhìn chung, sự phục hồi sản xuất và tiêu thụ xe hơi ở Trung Quốc vẫn là tín hiệu đáng mừng với ngành sản xuất xe hơi toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các nhà máy xe hơi ở Châu Âu và Mỹ hiện vẫn đang đóng cửa cho đến cuối tháng Tư. “Tín hiệu sáng tại Trung Quốc giúp giảm bớt gánh nặng cho nhiều toàn công nghiệp,” theo ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc cho hay.
GM có đến 15 nhà máy ở Trung Quốc, trong đó có hai nhà máy ở Vũ Hán. Vào giữa tháng 3 vừa qua, khi dịch bệnh được kiểm soát phần nào, GM đã mở cửa trở lại nhà máy. Tương tự với trường hợp của Honda, các nhà máy của Honda ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu vận hành trở lại từ đầu tháng Ba, ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly. Tuy nhiên, các nhà máy này phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động mới nhằm đảm bảo kiểm soát tình hình dịch bệnh bằng các biện pháp như đo nhiệt độ công nhân hay giới hạn khoảng cách làm việc an toàn.
Chuyên gia kinh tế nhận định các nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay như GM hay Volkswagen có thể tăng sản lượng xe hơi ở Trung Quốc lên đến một nửa sản lượng toàn cầu trong năm nay để bù đắp tác động dịch bệnh với các nhà máy ở khu vực khác.