Mỹ cố tình kéo dài cuộc chiến thương mại không hồi kết?

11/04/2019 09:45 GMT+7
Rất nhiều ý kiến cho rằng vấn đề về thuế và chiến tranh thương mại chỉ là chuyện tạm thời. Nếu tiếp tục theo cách nghĩ này, chỉ cần Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại thì mọi chuyện sẽ rõ ràng đối với thị trường và nền kinh tế. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đang nằm trong một loạt các trận chiến thương mại kéo dài: một “cuộc chiến thương mại không hồi kết” có thể kéo dài sự cân bằng của chính quyền Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ảnh: NationalInterest.org

Rất nhiều ý kiến cho rằng vấn đề về thuế và chiến tranh thương mại chỉ là chuyện tạm thời. Nếu tiếp tục theo cách nghĩ này, chỉ cần Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại thì mọi chuyện sẽ rõ ràng đối với thị trường và nền kinh tế.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể đang nằm trong một loạt các trận chiến thương mại kéo dài: một “cuộc chiến thương mại không hồi kết” có thể kéo dài sự cân bằng của chính quyền Trump.

Hãy xem xét các vấn đề sau:

  • Thuế thép của Mỹ vẫn được giữ nguyên ngay cả Mỹ đã ký thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada vào ngày 30/9 năm ngoái.

  • Chính quyền Mỹ muốn duy trì khả năng áp thuế trừng phạt đối với Trung Quốc trong dài hạn như một phần của thỏa thuận thương mại mới.

  • Chính quyền Mỹ đang chuyển sang áp thuế 11 tỷ đô la đối với mặt hàng máy bay nhập khẩu từ châu Âu và tiếp theo có thể sẽ là ô tô nhập khẩu từ châu Âu.

Tất cả những chuyện này vẫn đang bồi đắp cho ý tưởng rằng chính quyền của ông Trump dùng thuế quan làm công cụ đàm phán để đạt được điều họ muốn. Khi đã đạt được mục tiêu, hàng rào thuế sẽ bị xóa bỏ.

Nhưng thực tế chúng lại củng cổ cho điều ngược lại: Mỹ muốn có một số hình thức thuế quan trong dài hạn và tiếp tục các cuộc chiến thương mại. Sau cùng, tổng thống Mỹ đã tự gọi mình là “người đánh thuế”.

Trả lời phỏng vấn của CNBC, ông Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói “Chúng tôi cho rằng căng thẳng thương mại leo thang là một rủi ro nghiêm trọng”. Mặc dù tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc đã có sự cải thiện và sắp có được một thỏa thuận giữa hai bên, nhưng chúng tôi lo rằng tình hình căng thẳng thương mại sẽ lan sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như ngành ô tô.

Chuyên gia kinh tế toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch, ông Ethan Harris cho biết, ông cho rằng cuộc chiến thương mại có lẽ sẽ tiếp diễn với các vấn đề khác và với các đối tác thương mại khác nữa, ngay cả khi Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. “Chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Tôi nghĩ rằng nó sẽ trải qua các giai đoạn giống như chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh”, ông nói.

Có những lý do về kinh tế và chính trị để kéo dài một cuộc chiến thương mại.

Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là, chính xác thì chính quyền Mỹ hy vọng đạt được điều gì về mặt thương mại? Nếu mục tiêu là sử dụng thuế quan làm công cụ đàm phán nhằm buộc các quốc gia khác phải ngừng các hoạt động thương mại không công bằng, thì chẳng có gì sai khi nghĩ chúng là tạm thời. Thuế quan sẽ bị gỡ bỏ một khi đàm phán thương mại hoàn tất. Điều này, tất nhiên chưa xảy ra với trường hợp của Mexico và Canada. Như vậy, muốn biết được ý định của chính quyền Mỹ ra sao thì phải xem họ sẽ làm gì với những mức thuế này.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mục tiêu lại là cữu vãn ngành sản xuất của Mỹ?

Nếu mục tiêu là bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ, giúp tái phát triển và giành lại thị phần từ Trung Quốc và từ các đối thủ có chi phí thấp khác thì việc áp thuế tạm thời không giải quyết được. Bỏ qua việc tranh luận xem liệu chuyện này có thể xảy ra hay không, rõ ràng là phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để có thể phục hồi ngành sản xuất. Vốn sẽ chỉ chảy vào các ngành công nghiệp nếu nhà đầu tư tin rằng họ sẽ được bảo hộ trước hàng hóa nước ngoài giá rẻ trong lâu dài, không phải tạm thời.

Và nếu mục tiêu của Tổng thống Trump như ông đã nói là giảm thâm hụt thương mại thì việc giảm nhập khẩu, với sự trợ giúp của thuế quan, sẽ phải là một phần của phương trình đó.

Về mặt chính trị, câu hỏi là liệu hòa bình thương mại hay chiến tranh thương mại phục vụ tốt hơn cho tổng thống Trump. Rất có thể khi ông Trump muốn tái tranh cử sẽ lại quay về lập trường ban đầu của mình và nói rằng “Nhiệm vụ đã hoàn thành”. Điều có khả năng xảy ra nhất chính là ông Trump thấy lợi hơn khi tiếp tục kéo dài trận chiến với các đối tác thương mại của Mỹ.

Quỳnh Diệp
Cùng chuyên mục