Mỹ tạm thoát nguy cơ đóng cửa Chính phủ vào phút chót
Trong một tuyên bố ngay sau khi ký phê duyệt dự luật tạm thời này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh dự luật “đáp ứng các nhu cầu cấp thiết và cấp bách của quốc gia”, nhưng vẫn còn “nhiều việc phải làm” để tránh cho Mỹ khỏi nguy cơ đóng cửa Chính phủ thực sự sau ngày 3/12 tới.
Trước đó, dự luật tạm thời này đã được thông qua tại cả Thượng viện và Hạ viện trong một ngày với tỷ lệ 65 phiếu thuận/35 phiếu nghịch ở Thượng viện và 254 phiếu thuận/175 phiếu nghịch ở Hạ viện. Dự luật này tiếp tục thiết lập mức chi tiêu ngân sách Chính phủ nhằm duy trì hoạt động của chính phủ đến tháng 12. Ngân sách bao gồm cả các khoản tiền viện trợ thiên tai sau khi nước Mỹ hứng chịu những cơn bão khủng khiếp trong thời gian qua và khoản viện trợ tái định cư cho người tị nạn Afghanistan.
Dù nguy cơ đóng cửa Chính phủ tạm thời được giải quyết, nhưng Quốc hội vẫn cần nâng hoặc đình chỉ mức trần nợ công trước ngày 18/10 để ngăn cho Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ, dẫn đến hàng loạt hệ lụy kinh tế có thể đưa Mỹ vào một cuộc suy thoái khác.
Nước Mỹ đã tiến gần nguy cơ vỡ nợ và đóng cửa Chính phủ sau khi Đảng Cộng hòa hôm 27/9 thành công ngăn chặn dự luật phân bổ ngân sách Chính phủ do Đảng Dân chủ đề xuất với tỷ lệ sít sao: 48 phiếu thuận và 50 phiếu bác. Kết quả này khiến Thượng viện Mỹ đi tới quyết định bác bỏ việc đình chỉ trần nợ công cũng như dự luật phân bổ ngân sách nhằm ngăn chặn nguy cơ Chính phủ ngừng hoạt động từ ngày 30/9 - thời điểm năm tài chính 2021 của Mỹ kết thúc. Việc bắt đầu một năm tài chính mới cũng là thời điểm các nhà lập pháp Mỹ cần thông qua một gói tài chính mới để duy trì hoạt động của các cơ quan Chính phủ.
Trần nợ công, mức giới hạn tổng số tiền mà các nhà lập pháp phê duyệt cho Bộ Tài chính Mỹ được phép đi vay, sẽ phải được bãi bỏ hoặc nâng lên trước ngày 18/10 để tránh cho Mỹ khỏi vỡ nợ, theo cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Các nhà phân tích dự báo với tốc độ vay nợ như hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất quyền phát hành trái phiếu vào giữa tháng 10 tới, qua đó kéo theo nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Còn Bộ Tài chính thì nói rõ 18/10 là thời điểm Bộ cạn kiệt mọi nguồn lực để đáp ứng các khoản thanh toán chi phí hoạt động của chính phủ, kể cả thanh toán trái phiếu Chính phủ Mỹ - vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn, có tính thanh khoản cao hàng đầu thế giới - và nhiều sản phẩm tài chính liên quan khác.
“Quốc hội bắt buộc phải giải quyết vấn đề giới hạn nợ. Nếu không, ước tính hiện tại của chúng tôi cho thấy các biện pháp đặc biệt bổ sung của Bộ Tài chính có khả năng sẽ hết hiệu lực từ ngày 18/10 tới. Tại thời điểm đó, chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính sẽ sớm cạn kiệt với nguồn lực tài chính còn lại vô cùng hạn chế. Đó sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ vỡ nợ trong lịch sử. Niềm tin và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với Mỹ sẽ suy giảm, và kết quả là đất nước có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế” - bà Janet Yellen nhấn mạnh trong một tuyên bố đầu tuần này.
Việc không nâng hoặc đình chỉ trần nợ cũng có nguy cơ đặt ra những thách thức lớn cho nỗ lực chống dịch của Chính phủ Mỹ, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden đã trấn an dư luận rằng ngay cả khi Chính phủ ngừng hoạt động, các chức năng y tế công cộng vẫn sẽ được đảm bảo.