Năm 2022, kỳ vọng hồ tiêu chạm mức 120.000 đồng/kg
Mặc dù năm 2021, Việt Nam giảm 25% tổng sản lượng hồ tiêu do dịch bệnh và tồn kho, nhưng chúng ta đã vươn lên để thống lĩnh trong ngành hồ tiêu toàn cầu, chiếm hơn 60% lượng hồ tiêu xuất khẩu trong năm, một con số kỷ lục của nhiều năm nay.
Năm 2019 Việt Nam chỉ chiếm 18.6% thị phần tiêu toàn cầu. Nguồn: oec.world
Theo số liệu của Hải quan, năm 2020, lượng xuất khẩu đạt tới 285.292 tấn, nhưng kim ngạch mang về chỉ 660,569 triệu USD. Với năm 2021 vừa qua, lượng xuất khẩu giảm xuống còn 260.000 tấn, nhưng kim ngạch tăng vọt lên 950 triệu USD. Nghĩa là, tuy hồ tiêu giảm 9% về sản lượng nhưng tăng 44% về giá trị xuất khẩu.
Biểu đồ xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55.602 tấn trong năm, tăng 9,6% so với năm 2020, tiếp theo là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Canada.
Theo báo cáo của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu bình quân toàn cầu trong 11 tháng đầu năm 2021 ước tính ở mức 4.346 USD/tấn đối với tiêu đen và 6.490 USD/tấn đối với tiêu trắng, tương đương mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước. Dự đoán, giá tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng nhẹ vào năm 2022.
Ở thị trường nội địa, năm 2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm xoay xở do dư thừa nguồn cung, khiến giá hồ tiêu không thể khởi sắc. Ngay từ đầu năm nay, giá đã tăng đều từ mức 50.000 – 53.000 đồng/kg rồi chạm đỉnh 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 10, mức giá kỷ lục từ năm 2017. Tính đến ngày cuối của 2021, hồ tiêu nội địa ở mức giá 79.500 – 82.000 đồng/kg, tăng trưởng khoảng 58% so với đầu năm nay. Nhìn lại khoảng thời gian khó khăn trước đó, vào thời kỳ thu hoạch của năm 2020, giá tiêu đen có thời điểm chạm đáy với mức giá chỉ 35.000 đồng/kg.
Đánh giá nguyên nhân khiến giá hồ tiêu tăng vọt trong năm 2021, các chuyên gia phân tích là do diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm vì dư cung trong các năm trước, năng suất tiêu năm nay thấp, một bộ phận thì chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác. Tổng kết cuối năm, sản lượng hồ tiêu chỉ đạt 180.000 tấn, giảm 25% so với năm 2020. và dự kiến tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2022.
Dự kiến trong năm 2022, giá hồ tiêu nội địa sẽ tiếp tục tăng khi sản lượng tiêu vẫn trên đà giảm mà nhu cầu thu mua xuất khẩu tăng lên. Ước tính trong quý 1/2022, nhu cầu thu mua từ 130.000 - 160.000 tấn, có thể chiếm đến 90% sản lượng tiêu cả năm, dự đoán khoảng 150.000 - 170.000 tấn.
Nhập khẩu tiêu của các nước năm 2019. Nguồn: oec.world
Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu của thế giới đang có xu hướng bật tăng trở lại. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của nước ta - lượng hồ tiêu nhập khẩu tăng trưởng bình quân 8%/năm giai đoạn 2019-2021, trong đó, hồ tiêu Việt Nam chiếm 65-70%.
Với tình hình cầu hồ tiêu nội địa và nước ngoài đều khả quan, cũng như tiềm năng tăng cường xuất khẩu nông sản sang châu Âu qua Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và người trồng tiêu kỳ vọng giá tiêu sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay, mục tiêu là chạm mức 120.000 đồng/kg.