Ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020: Lãi tăng 134%

18/04/2020 05:22 GMT+7
Đại dịch Covid-19 khiến phần lớn doanh nghiệp lao đao phải "kêu cứu". Diễn biến này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng tới ngành ngân hàng vì nợ xấu gia tăng. Thế nhưng, ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 lại cho thấy lợi nhuận tăng 134%.

Lợi nhuận tăng 134%

Đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank). VietBank trở thành đơn vị đầu tiên trong hệ thống ngân hàng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 với các chỉ tiêu chính tăng trưởng tốt.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý 1/2020 đạt 1.339 tỷ đồng, tăng 335 tỷ đồng, tương đương 33,4% so với quý 1/2019. Nhưng do chi phí lãi và các chi phí tương tự có tốc độ tăng cao hơn, từ 718 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng nên thu nhập lãi thuần giảm nhẹ từ 286,1 tỷ đồng xuống 275,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các hoạt động khác lại cải thiện mạnh. Hoạt động dịch vụ mà hoạt động ngoại hối đã có khoản lãi tăng từ 5,3 tỷ đồng lên 10,4 tỷ đồng và từ 1,4 tỷ đồng lên 12,7 tỷ đồng.

Ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020: Lãi tăng 134% - Ảnh 1.

VietBank công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 với lợi nhuận tăng mạnh.

Đáng kể nhất là mua bán chứng khoán đầu tư. Hoạt động này thu về lãi ròng 159 tỷ đồng, tăng 146,8 tỷ đồng, tương đương 1.203% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là yếu tố chính giúp VietBank tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 đạt 183,1 tỷ đồng, tăng 104,9 tỷ đồng, tương đương 134% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu đứng ở mức thấp

Các chuyên gia dự báo doanh nghiệp điêu đứng vì Covid-19 có thể gây nợ xấu cho ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra với VietBank trong quý 1/2020. Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ xấu tại VietBank là 572 tỷ đồng, chiếm 1,36%. Những con số này thời điểm đầu kỳ là 539 tỷ đồng, chiếm 1,32%.

Có thể thấy nợ xấu tại VietBank tăng nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức khá thấp so với toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng nợ xấu thấp hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Cuối quý 1, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 42.083 tỷ đồng, tăng 1.164 tỷ đồng, tương đương 2,84%.

Trong quý 1, VieBank trích 29,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ so với 23,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lương gần 16 triệu đồng/tháng

VietBank không nằm trong Top các ngân hàng trả lương cao của hệ thống. Tại thời điểm cuối quý 1, ngân hàng mẹ có 2.328 người, tăng 43 người so với hồi đầu năm. Trong kỳ, chi lương và phụ cấp của ngân hàng là 109,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 92 tỷ đồng kỳ trước. Trung bình, mỗi người lao động VietBank được trả 47 triệu đồng/người/quý, tương đương 15,7 triệu đồng/người/tháng.

Chế độ tương tự cũng được áp dụng trong các công ty con. Trong kỳ, cả hệ thống VietBank có thêm 43 người, nâng tổng nhân sự trong toàn hệ thống lên 2.343 người. Với quỹ lương 111 tỷ đồng, mỗi người lao động VietBank (bao gồm ngân hàng và công ty con) được trả 47,4 triệu đồng/người/quý, tương đương 15,8 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy, nhân viên công ty con của VietBank có thù lao cao hơn nhân viên ngân hàng một chút.

Vốn hóa thị trường mất 1.455 tỷ đồng

Cổ phiếu VBB của VietBank hiện đang giao dịch trên UpCOM. Đóng cửa phiên 17/4, VBB dừng ở mức 13.700 đồng/CP. Như vậy, so với phiên cuối cùng của năm 2019, VBB đã giảm 2.800 đồng/CP, tương đương 17%. Vốn hóa thị trường VietBank giảm 1.455 tỷ đồng.

Một trong những thông tin tác động đến giá cổ phiếu VBB trong kỳ là ngân hàng "thay tướng". Kể từ ngày 13/3/2020, theo nguyện vọng cá nhân của ông Nguyễn Thanh Nhung- Tổng giám đốc VietBank, Hội đồng quản trị ngân hàng đã thống nhất thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nhung.

Hội đồng quản trị cũng đã thống nhất bổ nhiệm ông Lê Huy Dũng – Phó Tổng giám đốc VietBank giữ chức danh Quyền Tổng giám đốc VietBank.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục