Ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu đã bị “xóa tên” thế nào?

13/02/2021 07:20 GMT+7
Sáp nhập MHB vào BIDV trong năm 2015 nhằm thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 254/QĐ-Ttg ngày 01/03/2012 đã “xóa tên” ngân hàng hiếm hoi thành lập vào năm Sửu trong hệ thống các ngân hàng Việt.

Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là nhà băng hiếm hoi được thành lập vào ngày 18/09/1997 (năm Đinh Sửu) theo Quyết định số 769/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thương hiệu ngân hàng "tuổi Sửu" MHB – từ hình thành tới "xóa tên"

Nếu so với các ngân hàng quốc doanh khác được hình thành trên cở sở sắp xếp lại từ Ngân hàng Nhà nước, có sẵn mạng lưới chi nhánh, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thì MHB là ngân hàng quốc doanh ra đời sau, chỉ có quyết định thành lập, không có mạng lưới, thị phần, khách hàng. Toàn bộ quy trình nghiệp vụ, quản lý, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ phải xây dựng từ đầu.

Ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu đã bị “xóa tên” thế nào? - Ảnh 1.

MHB - ngân hàng thành lập năm Sửu trước sáp nhập

Hoạt động chủ yếu của ngân hàng thành lập năm Sửu này là thực hiện các giao dịch ngân hàng bao gồm huy động và nhận tiền gửi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân; cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức và cá nhân trên cơ sở tính chất và khả năng nguồn vốn của Ngân hàng; thực hiện các giao dịch ngoại tệ, các dịch vụ tài chính thƣơng mại quốc tế, chiết khấu thương phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác; cung cấp dịch vụ trung gian môi giới, và các dịch vụ ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Đến năm 2003, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, MHB đã tiếp nhận 12 công ty Vàng bạc đá quý trực thuộc Tổng công ty Vàng bạc Đá quý Việt nam vào hệ thống Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, dù là ngân hàng trẻ nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước nhưng MHB lại có tốc độ phát triển nhanh nhất.

Ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu đã bị “xóa tên” thế nào? - Ảnh 2.

Sau 10 năm, vốn điều lệ của ngân hàng năm Sửu MHB tăng 100 lần

Sau hơn 10 năm sau khi thành lập, MHB được tăng vốn điều lệ được bổ sung lên hơn 3.000 tỷ đồng, thời điểm thành lập vốn pháp định của nhà băng này chỉ khoảng 300 tỷ. Tổng tài sản của MHB tính đến cuối năm 2010 đạt gần 51.400 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), tăng 150 lần so với ngày đầu thành lập.

Cũng trong thời kỳ đó, MHB là một trong mười ngân hàng thương mại ở Việt Nam có mạng lưới rộng khắp với hơn 200 chi nhánh và các phòng giao dịch tại hầu hết các tỉnh, thành trọng điểm trên cả nước.

MHB duy trì và phát triển mối quan hệ đại lý với hơn 300 ngân hàng trong và ngoài nước tại gần 50 quốc gia trên thế giới.

Ngày 20/07/2011, ngân hàng thành lập năm Sửu MHB đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công với 17,74 triệu cổ phần được đấu giá với 3.744 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tham gia

Đến năm 2012, MHB được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm những tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, ổn định, an toàn và được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất.

Đến năm 2014 – tức là sau 17 năm hoạt động, MHB nằm trong top 10 ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam (gồm 44 chi nhánh, 185 phòng giao dịch tại 35 tỉnh/thành phố trong cả nước, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), dư nợ tín dụng dành cho ĐBSCL chiếm 50% dư nợ toàn hệ thống.

Tuy nhiên, cũng chính tại thời điểm đó MHB gây xôn xao dư luận với thông tin nhà băng này đã hoàn tất việc xây dựng đề án Tái cơ cấu ngân hàng đến năm 2015 để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, bắt đầu từ quý IV/2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai xây dựng Đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Thống đốc. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2015, sẽ hoàn tất đề án sáp nhập hai ngân hàng này.       

Việc sáp nhập ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu MHB vào BIDV là thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 254/QĐ-Ttg ngày 01/03/2012.

Về phía BIDV, thị trường biết đến thương vụ này qua phát ngôn của Chủ tịch HĐQT lúc bấy giờ là ông Trần Bắc Hà trước thềm đại hội ít ngày (tháng 4/2015). Thậm chí, cho đến ngày diễn ra đại hội, nhiều người vẫn chưa nắm được thông tin cơ bản về đề án sáp nhập, các dữ liệu cần thiết, đặc biệt là về vấn đề định giá để gắn với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu - lợi ích sát sườn của họ và cũng là điểm thể hiện tính thị trường và tính chuyên nghiệp nhất trong kế hoạch này.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập MHB vào BIDV theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV tại Tờ trình ngày 20/4/2015.

Ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu đã bị “xóa tên” thế nào? - Ảnh 3.

Lễ ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV năm 2015

Ngày 25/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, BIDV và MHB đã ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV. Đây là thủ tục cuối cùng để MHB chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV.

Như vậy, toàn bộ quá trình thực hiện công tác sáp nhập MHB vào BIDV được thực hiện trong vòng 55 ngày kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập MHB vào BIDV và chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi Thống đốc NHNN có quyết định 589/QĐ-NHNN chấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV. Cũng kể từ đó, thương hiệu ngân hàng thành lập năm Sửu MHB cũng "biến mất" trên thị trường tài chính ngân hàng Việt.

MHB làm ăn thế nào trước khi bị "xóa tên"?

Tại thời điểm trước sáp nhập, MHB là ngân hàng đang có thị phần tốt và giàu tiềm năng. Vấn đề của MHB có lẽ chỉ là một ngân hàng vẫn còn ở quy mô nhỏ, đặc biệt so với các ngân hàng top đầu với vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của BIDV thời điểm đó đã lên tới 28.112 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 650.340 tỷ đồng.

Ngân hàng hiếm hoi thành lập năm Sửu đã bị “xóa tên” thế nào? - Ảnh 4.

Năm 2014 – trước sáp nhập, tổng tài sản của MHB tăng 17,4% so với năm liền trước, đạt 45.313 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tăng 14,4% đạt trên 37.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ổn định từ thị trường I đạt 79% tổng huy động vốn; Tỷ lệ tiền gửi thanh toán/vốn huy động là 23,9%.

Tăng trưởng tín dụng 13,8%, tổng dư nợ đạt trên 30.605 tỷ đồng (bao gồm cả phần bán cho VAMC và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro năm 2014).

MHB đạt lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng VAMC 353 tỷ đồng. Riêng dự phòng rủi ro tín dụng và trái phiếu VAMC đã trích trong năm là 191 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế trong năm 2014 của MHB đạt 165 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,72%.

Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế gần 140 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2015 của BIDV cho thấy, BIDV đã phải gánh lỗ lũy kế 552,6 tỷ đồng do MHB chuyển giao khi sáp nhập.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục