Ngành bia rượu lao đao vì Covid-19: Lộ diện những khoản lỗ đầu tiên

16/04/2020 11:20 GMT+7
Bia rượu là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, không nhiều người bất ngờ khi chứng kiến những khoản lỗ đầu tiên trong quý 1/2020 của ngành này lộ diện.

Covid-19, Nghị định 100 không phải nguyên nhân chính

Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến rất nhiều ngành nghề. Trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bên cạnh hàng không, du lịch còn có bia rượu. Ngoài đại dịch Covid-19, Nghị định 100 cũng được cho là tác động đến doanh thu bia rượu.

Một số công ty ngành bia rượu đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với những khoản lỗ thua lỗ không hề nhỏ.

Công ty cổ phần Habeco Hải Phòng đang gánh chịu khoản lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý 1/2020. Khoản thua lỗ này đến từ doanh thu lao dốc. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ chỉ đạt 19,8 tỷ đồng, giảm 30,2 tỷ đồng, tương đương 60,4% so với quý 1/2019.

Ngành bia rượu lao đao vì Covid-19: Lộ diện những khoản lỗ đầu tiên - Ảnh 1.

Không nhiều người bất ngờ khi chứng kiến những khoản lỗ đầu tiên trong quý 1/2020 của ngành bia rượu lộ diện.

Trong kỳ, cắt công ty cắt giảm triệt để chi phí bán hàng khiến chỉ tiêu này chỉ còn 0 đồng dù cùng kỳ năm ngoái là 299 triệu đồng. Thế nhưng, Habeco Hải Phòng lại bất ngờ tăng chi phí quản lý doanh nghiệp từ 1,4 tỷ đồng lên 1,6 tỷ đồng.

Thế nhưng, Habeco Hải Phòng không thể "đổ lỗi" hoàn toàn cho đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 vì quý 1/2019 công ty đã thua lỗ tới 899 triệu đồng. Công ty thua lỗ khi duy trì chi phí cao hơn lợi nhuận gộp.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Dương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Habeco Hải Phòng. Trong quý 1/2020, công ty thua lỗ 1,55 tỷ đồng. Doanh thu sụt giảm xuống chỉ còn 14,2 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Bia Hà Nội – Hải Dương đạt lợi nhuận âm.

Cũng như Habeco Hải Phòng, Bia Hà Nội – Hải Dương không thể "đổ lỗi" hoàn toàn cho đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 vì kỳ trước, công ty này đã thua lỗ 751 triệu đồng.

Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) cũng đang chứng kiến các chỉ số kinh doanh lao dốc. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Halico trong quý 1/2020 chỉ đạt 29,7 tỷ đồng, giảm 26.900 đồng/CP, tương đương 47,5% so với quý 1/2019.

Doanh thu giảm sâu nhưng Halico lại có thế mạnh là giá vốn lao dốc nhanh hơn doanh thu nên công ty vẫn đạt lợi nhuận gộp tăng trưởng dương. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ từ 3,7 tỷ đồng lên 3,9 tỷ đồng.

Trong kỳ, Halico cũng nỗ lực tiết kiệm. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 6,8 tỷ đồng xuống 5,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 12,2 tỷ đồng xuống 8,3 tỷ đồng. Thế nhưng, do chi phí cao vượt trội so với lợi nhuận gộp nên kết quả là công ty thua lỗ 8,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Halico là cái tên "nhẵn mặt" với thua lỗ. Cùng kỳ năm ngoái, công ty "đánh rơi" 14,5 tỷ đồng". Tính tới thời điểm 31/3/2020, Halico lỗ lũy kế tới 423 tỷ đồng.

SMB mới là "nạn nhân" của Covid-19

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 chắc chắn có ảnh hưởng tới ngành bia nhưng với Halico, Habeco Hải Phòng và Bia Hà Nội – Hải Dương, đây chỉ là những yếu tố "góp thêm" vào đà thua lỗ. Trên thực tế, các công ty này đã bộc lộ yếu kém trong hoạt động kinh doanh từ lâu.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung (SMB) mới là đơn vị thực sự bị lao đao bởi đại dịch Covid-19 và Nghị định 100. Trong quý 1/2020, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SMB chỉ đạt 237 tỷ đồng, giảm 118 tỷ đồng, tương đương 33,2% so với quý 1/2019.

Công ty đã nỗ lực cắt giảm tất cả các chi phí nhưng không thể "cứu" được tăng trưởng lợi nhuận dương. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2020 của SMB chỉ là 19,1 tỷ đồng, giảm 22,4 tỷ đồng, tương đương 54%.

Trước khi đại dịch Covid-19, khác với 3 đơn vị kể trên, SMB vẫn hoạt động rất tốt. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của SMB lên tới 207 tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng, tương đương 47,9% so với năm 2018.

Không chỉ ảnh hưởng tới quý 1/2020, đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn là gánh nặng với SMB nói riêng và ngành bia nói chung nên sang năng 2020 SMB chỉ đặt mục tiêu đạt 1.472 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 5% so với năm 2019, còn lợi nhuận trước thuế cũng dự kiến giảm tới 40% xuống mức 156 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2020, cổ phiếu SMB giảm nhẹ hơn so với toàn thị trường chứng khoán. Lúc này, SMB đang giao dịch ở mức 30.000 đồng/CP, giảm 9.400 đồng/CP, tương đương 23,9% so với phiên cuối cùng của năm 2019.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục