Nhà đầu tư BOT đồng loạt muốn được tăng phí

14/12/2022 10:31 GMT+7
Những năm qua, có một số dự án BOT bị vỡ phương án tài chính do doanh thu không đủ chi khiến cho các nhà đầu tư BOT rơi vào cảnh nợ nần, mong muốn thoát qua khó khăn, một số nhà đầu tư đã mạnh dạn đề xuất tăng phí.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Phương Nam có 3 trạm thu phí gồm trạm BOT QL1 Bạc Liêu, trạm BOT QL1 Bình Thuận, trạm BOT QL1 Sóc Trăng đều chưa được tăng phí theo đúng lộ trình quy định trong hợp đồng BOT ký kết.

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Phương Nam đưa ra lý do, theo hợp đồng ký kết, công tác thu phí tại 3 trạm BOT sẽ tăng theo chu kỳ 3 năm/lần, mỗi lần tăng 18%. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, dù đã qua hai chu kỳ tăng vé. các trạm BOT đã qua hai chu kỳ tăng vé nhưng vẫn chưa được tăng.

Nhà đầu tư BOT đồng loạt muốn được tăng phí - Ảnh 1.

Loạt dự án BOT vỡ phương án tài chính do thu không đủ chi. Ảnh: CTV

Lo ngại hơn tới phương án tài chính là khi chưa được tăng phí theo hợp đồng, thì các trạm BOT còn phải giảm giá vé cho phương tiện khu vực xung quanh trạm trong bán kính 10 km, khả năng thanh toán khoản vay tín dụng của nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn.

"Đơn cử, tại BOT QL1 Bình Thuận, thời gian của hợp đồng tín dụng là 12 năm, đến giờ này, thời hạn hợp đồng tín dụng chỉ còn 5 năm nhưng dư nợ vẫn còn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty Phương Nam chia sẻ, nếu phí thu được tăng theo lộ trình, dư nợ sẽ chỉ còn khoảng 1/3 tổng dư nợ hiện tại.

"Trường hợp dự án cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác, phương tiện dù có phân lưu thì khoảng thời gian 5 năm còn lại của hợp đồng tín dụng, nhà đầu tư vẫn có khoản thu trả đủ dư nợ còn lại", lãnh đạo này chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh tương tự, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới do Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới làm chủ đầu tư cũng chưa được tăng phí.

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới hoạt động từ tháng 1/2018, nếu theo đúng hợp đồng ký kết, dự án đã được tăng phí một lần và đang ở chu kỳ chuẩn bị tăng phí lần 2. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn chưa thể thực hiện.

Phí không thể tăng, việc thu phí dự án cũng mới triển khai được trên tuyến mới. Trạm BOT trên QL3 vẫn bị "tê liệt" do phản ứng của người dân dù dự án được nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định hợp đồng được ký kết.

Nhà đầu tư BOT đồng loạt muốn được tăng phí - Ảnh 2.

Dự án trạm Thu phí Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Thế Anh

Tính đến hết tháng 9/2022, lũy kế doanh thu thực tế của dự án kể từ khi triển khai thu phí, doanh thu của dự án mới đạt hơn 129 tỷ đồng so với phương án tài chính theo hợp đồng hơn 1.487 tỷ đồng, chỉ đạt 8,7%. Nguồn thu hiện chỉ hơn 2 tỷ đồng/tháng trên tổng nguồn thu dự kiến 16 - 17 tỷ đồng/tháng.

Ngoài những dự án nếu trên còn có các dự án BOT khách gồm dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án xây dựng hầm Đèo Cả (gồm các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân), dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ,… nhà đầu tư cũng gặp nhiều thách thức về phương án tài chính khi lộ trình tăng phí chưa thể thực hiện đúng theo hợp đồng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư BOT, các doanh nghiệp này mong muốn có phương án xử lý khó khăn hiện hữu.

Qua đó, có giải pháp tối ưu các cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu là ban hành cơ chế đặc thù đối với các dự án BOT gặp khó khăn, ưu tiên cho nhà đầu tư trả nợ gốc trước, trả lãi sau.

Phương án này sẽ hài hòa được lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi nhà nước sẽ kết thúc sớm được hợp đồng BOT, nhà đầu tư thanh toán được nợ ngân hàng, ngân hàng cũng không bị mất vốn, tránh được khoản nợ xấu và vẫn có nguồn lãi thu vào.

Đại diện Công ty Phương Nam cho rằng: "Khó khăn lớn nhất là phương án trên chưa đúng với Luật các tổ chức tín dụng do theo quy định, việc vay vốn ngân hàng phải ưu tiên trả lãi. Nhà đầu tư mong muốn cơ quan chức năng xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua một nghị quyết riêng về xử lý vướng mắc tài chính cho các dự án BOT.

Thế Anh
Cùng chuyên mục