Nhân loại sẽ chung sống với dịch Covid-19 đến ít nhất năm 2021

21/06/2020 06:09 GMT+7
Dịch Covid-19 đang giành ưu thế trong trận chiến chống đại dịch của nhân loại, đó là điều dễ nhận thấy sau hơn 6 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, giết chết hơn 454.000 người trên toàn thế giới, đưa những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu từ Mỹ cho đến Trung Quốc đến bờ vực suy thoái.
Nhân loại sẽ chung sống với dịch Covid-19 đến ít nhất năm 2021 - Ảnh 1.

Một bé gái tưởng niệm người thân tử vong do dịch Covid-19 tại Sao Paolo, Brazil

Dù những nghiên cứu vaccine tiềm năng đang được thúc đẩy ở khắp các quốc gia từ Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu, nhưng rất ít ý kiến lạc quan dự đoán rằng một loại vaccine hiệu quả sẽ được sản xuất và phân phối rộng rãi trên toàn cầu trong năm 2020. Hầu hết các chuyên gia y tế cho rằng phải đến năm 2021, nhân loại mới tìm ra một loại vaccine hiệu quả như vậy. Tức là từ nay cho đến ít nhất năm 2021, nhân loại sẽ tồn tại cùng đại dịch Covid-19 mà không có phương pháp phòng chống hay điều trị hiệu quả nào.

Cameron Wolfe, phó giáo sư y khoa tại Đại học Duke nhận định: “Người dân đang đuối sức (trong cuộc chiến chống đại dịch). Họ từng kỳ vọng dịch bệnh sẽ biến mất. Nhưng giờ đây, chúng ta phải tìm cách sống chung với dịch bệnh (ít nhất cho đến năm 2021).”

Mối đe dọa xảy đến với không riêng quốc gia nào, bởi đến nay dịch bệnh đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn các biện pháp đối phó của các chính phủ lúc này là tăng cường xét nghiệm virus, thực hiện giãn cách xã hội và nâng cao năng lực của hệ thống y tế. 

Các nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện đang chứng kiến số phiếu tín nhiệm của người dân giảm đi do tỷ lệ lây nhiễm và tử vong quá lớn trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Mỹ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 2,1 triệu ca nhiễm và đang tiếp tục tăng lên. Còn chính phủ Anh của ông Boris Johnson cũng bị chỉ trích là thất bại trong phản ứng với dịch bệnh. Thông tin ban đầu trái chiều cũng như khuyến nghị có vẻ mâu thuẫn giữa các tổ chức y tế công cộng trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát được cho là một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan chính phủ bối rối trong việc thực hiện công tác kiểm dịch.

Khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan ra toàn cầu, các chính phủ gần như ngay lập tức thực hiện nhiều biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ như phong tỏa biên giới, cách ly xã hội, cấm tụ tập đông người, đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh… Các động thái đã giúp kiểm soát sự lây lan dịch Covid-19. Nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế gần như chững lại, thất nghiệp tăng vọt, khiến các chính phủ phải đưa ra các gói kích thích tài khóa và tiền tệ lên tới hàng nghìn tỷ USD. 

Khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại. Nhưng dỡ bỏ dần giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho virus lây lan. Các ổ dịch mới đang có dấu hiệu tiếp tục bùng phát trên toàn cầu. 

Nhân loại sẽ chung sống với dịch Covid-19 đến ít nhất năm 2021 - Ảnh 3.

Một tiệm nail ở Atlanta, Georgia mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh

Tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, sau 50 ngày không có ca nhiễm mới, hồi tuần trước đã chứng kiến ít nhất 158 ca nhiễm Covid-19 mới liên quan đến ổ dịch tại chợ buôn Xinfadi. Chính phủ Trung Quốc đã phải đóng cửa mọi trường học tại Bắc Kinh và hủy nhiều chuyến bay trong nỗ lực hạn chế sự lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác trên cả nước. 

Tại Mỹ, nhiều tiểu bang như  Florida, Texas và Arizona đang báo cáo số ca nhiễm mới tăng vọt mạnh mẽ. Brazil cũng vừa xác nhận số ca nhiễm Covid-19 vượt qua 1 triệu còn Đức thì phát hiện nhiều ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng tại một khu chung cư và một nhà máy sản xuất thịt.

Sự tái bùng phát dịch tại Mỹ và Trung Quốc đang phản ánh kịch bản có thể xảy ra khi các nước bắt đầu dỡ bỏ lệnh hạn chế, theo nhận định của ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của Gavi, Liên minh Vaccine phi lợi nhuận.

Ada Adimora, một nhà dịch tễ học và giáo sư y học về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Bắc Carolina cho biết: “Tôi hiểu rằng chúng ta cần một quyết định cần bằng, và phải cân nhắc đến yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, dù chúng ta mở cửa trở lại nền kinh tế, người dân không thể đeo khẩu trang khi dùng bữa tại nhà hàng. Tức là chúng ta đang không thực sự nỗ lực để kiểm soát mối đe dọa lây lan dịch bệnh”.

Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore cũng đồng quan điểm khi khẳng định rằng không có hoạt động nào mà không có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. “Nó chỉ khác biệt về số phần trăm rủi ro”.

Một số chuyên gia thậm chí dự báo số ca tử vong do virus Covid-19 trên toàn cầu có khả năng lên tới 1 triệu người. Hồi tháng trước, khi chính phủ Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế,  Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington đã dự báo số người tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Mỹ có thể tăng 18% lên 200.000 ca vào tháng 10/2020. Tính đến nay, Mỹ báo cáo 119.121 ca tử vong. 

Davidson Hamer, giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Công lập Boston thậm chí bi quan hơn khi dự kiến mùa thu tới sẽ là khoảng thời gian đáng lo ngại khi các trường học mở cửa trở lại và nhiệt độ lạnh hơn tạo điều kiện cho sự tái bùng phát của dịch bệnh.

Giới quan chức Y tế Mỹ đang thúc giục tăng tốc các chương trình thử nghiệm vaccine Covid-19 để sẵn sàng sản xuất hàng loạt trong nửa đầu năm 2021, nhưng cố vấn sức khỏe Nhà Trắng Anthony Fauci đã cảnh báo có thể quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ông Fauci thậm chí dự báo khả năng các vaccine được sản xuất ra không thể hỗ trợ miễn dịch lâu dài, buộc con người phải tiêm mũi nhắc lại hàng năm để tránh virus phát triển thành các chủng mới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục