Nhật Bản: Xuất khẩu giảm 12 tháng liên tiếp

18/12/2019 14:40 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vừa chứng kiến tháng giảm thứ 12 liên tiếp, số liệu tính đến hết tháng 11/2019, do sự suy yếu của các chuyến hàng đến Mỹ và Trung Quốc, hệ quả của thương chiến Mỹ Trung.
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm 12 tháng liên tiếp - Ảnh 1.

Là nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kim ngạch thương mại, Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề của môi trường thương mại bất ổn trên toàn cầu

Dữ liệu kinh tế vừa công bố hôm 18/12 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 11 của Nhật Bản đã giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm nhỏ hơn dự kiến 8,6% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò của Reuters.

Tính đến hết tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018.

Những dữ liệu ảm đạm được đưa ra trong bối cảnh các chuyến hàng xe hơi, máy móc xây dựng đến Mỹ cũng như lô hàng hóa chất công nghiệp đến Trung Quốc do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ Trung. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu đang chứng kiến đợt suy yếu dài nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Phân theo khu vực, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản hiện nay, đã chứng kiến mức suy yếu 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng giảm thứ 9 liên tiếp trong năm. 

Xuất khẩu sang thị trường Châu Á chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5,7% trong 11 tháng đầu năm do các lô hàng sản xuất con lăn xuất sang thị trường Thái Lan giảm mạnh.

Các lô hàng Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ giảm 12,9% tính đến hết tháng 11/2019 do sự giảm sút mạnh mẽ trong các lô hàng ô tô và phụ tùng ô tô. 

Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2016.

Cũng theo báo cáo từ Chính phủ Nhật Bản, cán cân thương mại của đất nước đã cho thấy mức thâm hụt 82,1 tỷ JPY, ít hơn mức dự báo 369 tỷ JPY mà các nhà phân tích kinh tế dự báo.

Nhờ sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh, tăng trưởng GDP của Nhật Bản vẫn đạt tốc độ nhanh hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, nhưng nguy cơ chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh đã xuất hiện sau khi Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% sau ngày 1/10/2019. Mức tăng thuế dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình trong quý cuối cùng năm 2019.

Bằng chứng là trong tháng 10, sản lượng công nghiệp đã giảm với tốc độ cao nhất trong 2 năm vừa qua sau khi cả chi tiêu cá nhân và đầu tư kinh doanh lao dốc sau tăng thuế. Ngân hàng Nhật Bản được cho là có kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 122 tỷ USD để hỗ trợ tăng trưởng, giảm áp lực cho thị trường sau tăng thuế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục