Nhiều phen 'lục đục', thị trường Trung Quốc vẫn giúp Tesla lập kỷ lục doanh số xe điện trong quý III
Tờ Reuters nhận định Tesla đã vượt qua cuộc khủng hoảng chip một cách nhẹ nhàng hơn các đối thủ khác trong ngành khi tổng lượng xe đã giao trong quý III tăng vọt 20% so với mức kỷ lục đạt được hồi quý II.
Cụ thể, hãng khởi nghiệp xe điện Mỹ hoàn thành việc giao 241.300 xe trong quý III, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 20% so với quý liền trước. Con số này vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Refinitiv là 229.242 xe.
Trong đó, dòng xe điện nhỏ gọn Model 3 và dòng xe thể thao đa dụng Model Y giá rẻ chiếm chủ yếu trong doanh số bán hàng, với sản lượng giao 232.025 chiếc, 9.275 chiếc xe còn lại là dòng Model S và Model X cao cấp. Như vậy, đây là quý thứ sáu liên tiếp Tesla báo cáo sản lượng giao xe điện tăng trưởng bất chấp hệ quả từ sự lây lan đại dịch Covid-19.
Gary Black, giám đốc danh mục đầu tư tại Future Fund và là một tín đồ của Tesla nhận định rằng doanh số kỷ lục của hãng được thúc đẩy bởi số lượng giao hàng đạt mức cao mới tại thị trường Trung Quốc. Đây là minh chứng rõ ràng đập tan mọi nghi ngờ rằng nhu cầu của Trung Quốc với xe điện Tesla đang giảm đi.
CEO Tesla Elon Musk cho hay hãng khởi nghiệp xe điện Mỹ đã đối diện với tình trạng thiếu linh kiện cực kỳ nghiêm trọng vào đầu quý III nhưng lãnh đạo công ty đã thúc giục nhân viên tìm cách khắc phục tình trạng này để đảm bảo sản lượng giao hàng vào cuối quý. Các nhà phân tích cũng cho biết xuất khẩu xe điện từ nhà máy ở Trung Quốc sang châu Âu tăng mạnh cùng sự ra đời của dòng xe Model Y với giá thành dễ chịu hơn là những yếu tố chính góp phần tạo nên kỷ lục mới trong sản lượng giao xe của Tesla.
Trước đó, Tesla từng báo cáo doanh thu quý II đạt 11,96 tỷ USD trong khi ợi nhuận ròng đạt 1,14 tỷ USD trong quý, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD và tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái (104 triệu USD).
Tesla hiện đang vận hành 598 cửa hàng và trung tâm dịch vụ trên toàn cầu.
Trong quý II vừa qua, nhà khởi nghiệp xe điện Mỹ đã phải đối diện với hàng loạt thách thức, trong đó có vụ bê bối gây nên phản ứng dữ dội của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như sự thay đổi thái độ từ chính phủ Bắc Kinh. Hồi giữa tháng 3, hàng loạt trang tin tức lớn như Reuters và Bloomberg đồng loạt đưa tin quân đội Trung Quốc đã cấm các phương tiện sản xuất bởi Tesla ra vào các khu phức hợp quân đội do lo ngại tính bảo mật của hệ thống camera trong phương tiện. Tỷ phú Elon Musk sau đó lập tức lên tiếng tuyên bố: “Nếu Tesla sử dụng ô tô điện để do thám ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác, chúng tôi sẽ đóng cửa doanh nghiệp”.
Tình trạng thiếu phụ tùng và chi phí nguyên vật liệu ngày càng tăng cũng gây ra thách thức lớn với Tesla nói riêng và các hãng xe khác trên toàn cầu nói chung trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Việc thiếu nguồn cung đã hạn chế hoạt động sản xuất của Tesla ở cả Fremont, California và Thượng Hải.
Tuy vậy, các nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của xe điện Tesla trong trung và dài hạn. Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities từng bày tỏ sự tin tưởng Tesla sẽ thành công đạt mục tiêu doanh số bán xe 900.000 chiếc đã đặt ra hồi đầu năm nay, tức tăng gần gấp đôi so với con số 500.000 chiếc mà hãng này xuất xưởng trong năm ngoái. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Tesla xuất xưởng 386.000 xe, tăng hơn gấp đôi doanh số bán xe trong cùng kỳ năm 2020.
Trong khi hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk báo cáo doanh số giao xe quý III tăng vọt, hàng loạt ông lớn khác trong ngành công nghiệp ô tô như General Motors, Honda… lại báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ giảm mạnh trong cùng kỳ do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu. Đáng chú ý, doanh số bán hàng quý III của gã khổng lồ General Motors lao dốc gần 33% xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.