Nông dân Mỹ ngậm trái đắng, xu hướng chuyển sang thịt chay
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất do đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến nhiều nông dân Mỹ không còn cách nào khác ngoài tiêu hủy những sản phẩm nông nghiệp vừa thu hoạch. Nhiều nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp cũng ở trong hoàn cảnh tương tự do không thể bảo quản được hết rau củ quả dễ hư hỏng.
Cả mùa vụ thu hoạch dâu tây của nông dân Mỹ đang sụp đổ khi phần lớn các đơn đặt hàng bị hủy. Người dân thậm chí chẳng màng thu hái dâu tây. Một số nông dân trồng dâu chỉ thuê đủ nhân công để hái dâu chín và bán với giá rất rẻ để bù lại chi phí chi trả lương nhân công và đóng hộp nông sản.
Nhà sản xuất rau xà lách Mark Borba ở California nói rằng ông phải tiêu hủy 230 héc ta xà lách được thu hoạch kể từ khi đại dịch bùng nổ ở Mỹ do nhu cầu từ nhà hàng, trường học và khách hàng lớn giảm mạnh. Ông Mark thậm chí buộc phải ra lệnh cho nhân công tháo dỡ 9.000 thùng rau xà lách đang trong quá trình đợi vận chuyển do các đơn hàng bị hủy hàng loạt. Nhiều người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm có thể bảo quản lâu dài thay vì rau tươi để tích trữ được lâu hơn trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Trước những tổn thất khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành nông nghiệp Mỹ, Tổng thống Trump mới đây công bố chương trình viện trợ trị giá 19 tỷ USD dưới dạng khoản chi tiền mặt cho nông dân và nhà phân phối các sản phẩm bơ sữa, thịt và các sản phẩm phẩm nông nghiệp khác. Chính phủ Mỹ cũng đồng thời xem xét các biện pháp hỗ trợ nông dân như nới lỏng quy định nhập cư với người lao động từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu nhân lực vào thời điểm vụ mùa.
Đại dịch cũng đồng thời định hình lại thị trường thịt ở Mỹ. Do nhiều lò mổ đóng cửa và đe dọa đến nguồn cung ứng thịt, thị trường Mỹ chứng kiến nhu cầu tăng đột biến với các sản phẩm giả thịt được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, còn gọi là thịt chay. Doanh thu từ dòng sản phẩm thịt chay ở Mỹ tăng 200% so với cùng kì năm ngoái. Theo số liệu được Nielsen cung cấp, con số này có thể tăng lên đến 265% trong khi doanh số thịt tươi chỉ tăng 30%.
Dù thịt chay nguyên liệu thực vật chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường thực phẩm Mỹ, nhu cầu với sản phẩm này hiện tăng đột biến và ngày càng được nhiều người tiêu thụ. Theo Viện nghiên cứu Thực phẩm Mỹ, đây được coi là xu hướng ẩm thực mới nổi lên từ đại dịch. So với sản phẩm thịt tươi sống, các sản phẩm protein có nguồn gốc thực vật có thể được sản xuất trên dây chuyền tự động và không phụ thuộc quá nhiều vào nhân lực, vì thế ngành sản xuất này sẽ gặp ít bất lợi hơn về mặt nhân công và an toàn vệ sinh so với chuỗi sản xuất thịt tươi sống.
Ngược lại, kể từ khi đại dịch bùng nổ, khả năng sản xuất sản phẩm thịt của Mỹ giảm mạnh do nhiều nhà máy bị buộc phải đóng cửa. Cho đến nay, sản lượng sản xuất các sản phẩm thịt lợn ở Mỹ giảm 32%, theo chuyên gia kinh tế từ Kerns & Associate. Trong khi đó, sản lượng thịt bò giảm 14%.