Phó Thống đốc: Tín dụng tăng “rất cao”, đã có thêm 520.000 tỷ được bơm vào nền kinh tế
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 4/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh tú đã thông tin về con số tăng trưởng tín dụng trong quý I/2022.
Tín dụng tăng rất cao, 520.000 tỷ đồng đã được rót vào nền kinh tế 3 tháng đầu năm
Theo đó, Phó Thống đốc cho biết, năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình kinh tế. Đến thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 hiện nay, tín dụng đã tăng khá tích cực, đã lên tới 5,04%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 2,06%, nghĩa là đã tăng hơn 2,3 lần.
"Mức tăng trưởng tín dụng này cho thấy nền kinh tế đang phục hồi rất tích cực, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ đang rất hiệu quả, giúp đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo tính toán của Etime, với mức tăng 5,04%, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 10,92 triệu tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2021, tín dụng toàn ngành đạt 10,4 triệu tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm đã có thêm 520.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Trong khi đó, số liệu từ SSI Research cung cấp, theo dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối 2021 - thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay.
Như vậy, chỉ riêng trong tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã tăng vọt tới 3,22%, tương ứng gần 335.000 tỷ đồng được rót thêm vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng năm nay so với các năm trước là 'rất cao'. Vì thế, đối với từng quý và cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô và lạm phát.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (gồm nhu cầu vay vốn, thanh toán, gửi tiền) tiếp tục tăng trong quý II/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Do đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1 % trong năm 2022.
Số nợ xấu đã xử lý được nhờ Nghị quyết 42 khoảng 380.000 tỷ đồng
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc kéo dài thời hạn Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), Phó Thống đốc NHNN cho hay, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều tác động tích cực, số nợ xấu đã xử lý được nhờ Nghị quyết này là khoảng 380.000 tỷ đồng – đây là khối lượng vốn rất lớn được giải phóng và quay vòng ra nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến nợ xấu trong xã hội.
"Nghị quyết 42 đã mang lại giá trị tích cực không chỉ với xã hội mà với cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế", Phó Thống đốc nêu rõ.
Tuy nhiên, sau 5 năm, vào tháng 8 tới đây, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực trong khi theo lãnh đạo NHNN, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung vẫn cần cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu. Vì thế, NHNN đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về việc ban hành đạo luật về xử lý nợ xấu. Nhưng theo ông Tú, việc xây dựng luật cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động, nên nếu không kéo dài Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ gây khó khăn cho những khoản nợ đang thuộc đối tượng được xử lý theo Nghị quyết 42.
Hơn nữa, dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động doanh nghiệp, nên sẽ làm nợ xấu mới xuất hiện. Việc kéo dài Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho xử lý nợ xấu, tạo cơ sở tích cực cho hoạt động ngân hàng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm từ ngày 16/8/2022 đến hết ngày 15/8/2024.
Hiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 được NHNN xây dựng và lấy ý kiến.