Quảng Nam: Chương trình OCOP góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn

05/02/2024 10:59 GMT+7
Sau 6 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Nam đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước đưa thương hiệu địa phương vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản đặc trưng của tỉnh. Thông qua chương trình, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Quảng Nam: Chương trình OCOP góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn - Ảnh 1.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Nam đã có 395 sản phẩm được công nhận OCOP. Ảnh: T.H.

Kết quả, sau 6 năm triển khai (2018-2023), đến tháng 12/2023, tỉnh Quảng Nam có 395 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 334 sản phẩm 3 sao, 61 sản phẩm 4 sao; với đa dạng các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dược liệu, du lịch....

Chương trình đã tạo động lực, sức sáng tạo, giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Những sản phẩm khu vực nông thôn của tỉnh có bước chuyển mạnh về chất và lượng, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của Nhà nước.

Từ đó, các sản phẩm được gắn sao OCOP không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, tạo lực đẩy mới cho kinh tế nông thôn phát triển.

Quảng Nam: Chương trình OCOP góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông thôn - Ảnh 2.

Sản phẩm bột ngũ cốc hạt sen mè đen Mẹ Mít đạt OCOP 4 sao năm 2022. Ảnh: T.H.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam dần khẳng định được thương hiệu, được đánh giá cao tại các diễn đàn, hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản tiêu biểu trong nước và quốc tế. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định hiệu quả từ định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch và bền vững.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP về khâu hoàn thiện bao bì, công nhận thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ về quy trình sản xuất sản phẩm OCOP, kết nối cung – cầu và đặc biệt là tập huấn và hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất sản phẩm OCOP chất lượng.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục