Quảng Nam: Mới 3 năm làm OCOP, huyện Bắc Trà My đã có 9 sản phẩm gắn "sao"
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự tham gia nhiệt tình của các chủ thể, Chương trình OCOP tại huyện Bắc Trà My đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2018, năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, huyện Bắc Trà My có 2 sản phẩm là tinh dầu quế và rượu lúa rẫy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Năm 2019, huyện Bắc Trà My tiếp tục có 2 sản phẩm được công nhận OCOP gồm dầu phụng Trà Đông và mía tím Bắc Trà My. Trong đó dầu phụng được ép từ đậu phụng nguyên chất được nhân dân trong vùng sản xuất và cây mía tím (hay còn gọi là mía mưng) được trồng tập trung tại thôn 2 và thôn 6 (xã Trà Giang).
Cây mía mưng có vỏ tím, ruột trắng, ăn ngọt, mềm, là cây trồng được người dân Trà Giang di thực từ vùng đất Thanh Hóa. Qua nhiều năm trồng, đến nay mía mưng cho giá trị kinh tế cao, được định hướng xây dựng thương hiệu, chuỗi sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng sạch…
Năm 2020, huyện Bắc Trà My tiếp tục có 5 sản phẩm được công nhận OCOP gồm cam sành Trà Dương, cá thát lác sông Tranh phi lê, măng nứa khô Trà Ka, vòng đeo tay phong thủy huỳnh đàn và cá diêu hồng sông Tranh sấy khô.
Qua 3 năm xây dựng Chương trình OCOP, đến nay Bắc Trà My đã có 9 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó sản phẩm tinh dầu quế Trà My – Minh Phúc là một trong những sản phẩm đầu tiên được công nhận danh hiệu này.
Ngoài ra huyện Bắc Trà My còn có 4 sản phẩm khác được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ để xây dựng và phát triển thương hiệu gồm rượu lúa rẫy Chấn Phương, sản phẩm mộc mỹ nghệ, hương Trà My, sản phẩm mộc dân dụng.
Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm đặc trưng khác gồm áo quần thổ cẩm, rượu lúa rẫy Tuấn Phong, các sản phẩm từ quế (quế thanh, bột quế), quýt đường, chuối, các loại rau rừng cũng đang được tập trung trồng và chăm sóc, nâng cao chất lượng để trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới...