Quảng Nam: Thị xã Điện Bàn tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách
Nâng cao chất lượng tín dụng
Ông Võ Tấn Lũy – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn cho biết: Quản lý tín dụng chính sách là một phần mềm hoạt động trên các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS. Nó cung cấp thông tin về các phương án tín dụng chính sách xã hội, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng,….
Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách giúp người dùng tương tác, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, giúp việc giao dịch giữa tổ tiết kiệm và vay vốn với cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng.
Ngay sau khi triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn, cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai tập huấn, cài đặt phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách xã hội nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý các nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng.
Ông Lũy chia sẻ, qua triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách cho thấy, đây là hoạt động thiết thực góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn về dịch vụ tin nhắn NHCSXH cung cấp nói riêng và lợi ích, xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai nói chung; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền… cũng như mục tiêu ứng dụng công nghệ làm giảm chi phí giao dịch của khách hàng, giảm thời gian giao dịch cho ngân hàng.
Ngoài ra, ứng dụng còn có các tiện ích khác như: Kết quả giao dịch, phiếu thu, báo cáo, hộp thư, tra cứu điểm giao dịch xã/phường. Ứng dụng đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, tiện lợi và hiệu quả. Đây là sản phẩm ứng dụng tối đa công nghệ để cải tiến công việc, góp phần chuyển đổi số toàn diện trong quản lý tín dụng xã hội.
Theo ông Lũy, mô hình ứng dụng phần mềm qua điện thoại di động (Mobile App) sử dụng thuận tiện, giúp cán bộ NHCSXH có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác trong tổ chức họp giao ban diễn ra thuận lợi hơn ngay tại phiên giao dịch xã/phường; số liệu hoạt động của các tổ chức hội và phường đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp các tổ trưởng, Hội đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng tại đơn vị.
Phần mềm ứng dụng quản lý tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trong các hoạt động trả lãi, gốc, gửi tiết kiệm..., phần mềm còn giúp cán bộ làm công tác quản lý thuận lợi trong điều hành, nắm bắt công việc để có những điều chỉnh kịp thời. Khi phát sinh lãi, nợ quá hạn cao hoặc các phương án tài chính không đảm bảo, chúng tôi sẽ có những chỉ đạo kịp thời để cấp địa phương, cơ sở chủ động, tránh phát sinh các trường hợp xấu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chính sách
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho tất cả các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội cấp phường/xã tham gia thí điểm thực hiện giao dịch tổ, truy vấn thông tin trên ứng dụng. Đến nay, tại thị xã Điện Bàn đã triển khai tập huấn đến 100% tổ tiết kiệm và vay vốn, 100% tổ đã giao dịch với ngân hàng qua App.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp người dùng tương tác, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn thị xã, giúp việc giao dịch giữa tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng.
Ông Trần Kim Sáu - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, thôn Phú Đông, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách vào công việc đã giúp chúng tôi nắm bắt thông tin hộ vay, khoản vay, thời hạn trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn một cách dễ dàng. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao dịch, ủy thác cho vay của tổ thuận lợi, hiệu quả hơn hẳn. Tổ của tôi hiện có 39 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng, không có nợ xấu và nợ quá hạn".
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý điều hành, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch tín dụng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng trên địa bàn thị xã Điện Bàn ngày được nâng cao.
Tổng doanh số cho vay 10 tháng đầu năm đạt 190 tỷ đồng, với 3.386 khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ 10 tháng đầu năm đạt 155 tỷ đồng. Đến tháng 10/2024, toàn thị xã Điện Bàn có 10.894 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ đạt 564 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng so năm 2023, trên địa bàn có 313 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân dư nợ đạt hơn 1,8 tỷ đồng/tổ tiết kiệm và vay vốn.
"Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phần mềm cũng gặp một số khó khăn, nhất là một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, chưa sử dụng điện thoại thông minh hoặc sử dụng chưa thành thạo. Để khắc phục, chúng tôi lập nhóm Zalo riêng, phân công cán bộ chủ động theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng phần mềm.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tại trụ sở Phòng giao dịch chính và tại UBND các xã/phường trên địa bàn thị xã Điện Bàn cho các cán bộ, thành viên liên quan, qua đó ngày càng nâng cao tỷ lệ người sử dụng thành thạo phần mềm trên địa bàn...", ông Võ Tấn Lũy - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn nhấn mạnh.