Quảng Ninh: 3 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

19/12/2019 18:59 GMT+7
Theo danh sách mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Quảng Ninh đã chính thức có 14 vùng trồng trọt và 3 cơ sở đóng gói được cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu. Vì thế, việc Quảng Ninh có 14 vùng trồng trọt và 3 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch là một tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân. 

14 vùng trồng trọt cụ thể, có 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 3 vùng trồng nhãn ở Đông Triều; 3 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc ở Móng Cái và Uông Bí. Đây đều là những vùng trồng và cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo đúng quy định của phía Trung Quốc.

Quảng Ninh có 3 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc  - Ảnh 1.

TP.Uông Bí thắt chặt hơn công tác quản lý bao bì, nhãn mác sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trước khi xuất bán

Trước đó, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có quy định về đăng ký xuất xứ hàng hóa nông sản được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc với mục tiêu: Kiểm soát tận gốc, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc các lô hàng trong trường hợp có vấn đề về kiểm dịch và vệ sinh ATTP, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và công bằng thương mại đối với sản phẩm trái cây xuất nhập khẩu giữa hai nước. 

Theo đó, phía Việt Nam sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về vùng trồng trọt và cơ sở đóng gói 5 loại trái cây là: Thanh long, vải, nhãn, chuối và dưa hấu khi xuất sang Trung Quốc. Ngược lại, phía Trung Quốc sẽ cung cấp danh sách, cơ sở trồng trọt, nhà máy đóng gói các loại trái cây xuất khẩu sang Việt Nam. Quy định này được áp dụng giúp đảm bảo được chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc (Viet GAP và Global GAP).

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin, đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả trên sản phẩm để có thể kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Quảng Ninh có 3 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc  - Ảnh 2.

Nhiều vùng trồng vải đã được cấp mã số

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các vùng trồng trọt sản xuất theo quy trình VietGAP, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, tăng cường hoạt động giám sát ATTP, đảm bảo cho xuất khẩu bền vững.


Minh Minh
Cùng chuyên mục