Quốc gia nào là nhà tài trợ vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới?

10/09/2021 10:50 GMT+7
Theo dữ liệu công khai của UNICEF trực thuộc Liên Hợp Quốc, Mỹ là nhà tài trợ vắc xin Covid-19 lớn nhất toàn cầu, vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Anh.

UNICEF là Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, chuyên các vấn đề bảo vệ và phát triển trẻ em. Trong đại dịch Covid-19, quỹ này quản lý nguồn cung vắc xin cho sáng kiến COVAX nhằm đưa vắc xin đến các quốc gia nghèo, các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Dựa trên dữ liệu hợp nhất về các nguồn tài trợ vắc xin công khai, UNICEF đã xây dựng một bảng tổng hợp về hoạt động viện trợ vắc xin trên toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy Mỹ là nhà tài trợ vắc xin Covid-19 lớn nhất toàn cầu với tổng cộng 114 triệu liều vắc xin phân phối cho khoảng 80 quốc gia đang phát triển trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Con số này lớn gấp 3 lần so với nhà tài trợ vắc xin lớn thứ hai là Trung Quốc. Theo UNICEF, Trung Quốc đã quyên góp khoảng 34 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - xếp ở vị trí thứ ba với khoảng 23,3 triệu liều.

Quốc gia nào là nhà tài trợ vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới? - Ảnh 1.

Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt là 3 nhà tài trợ vắc xin Covid-19 lớn nhất thế giới, theo dữ liệu tổng hợp bởi UNICEF (Ảnh: CNBC)

Dữ liệu cho thấy các quốc gia châu Á là đối tượng nhận được lượng vắc xin viện trợ lớn nhất. Trong đó, Bangladesh, Philippines, Indonesia và Pakistan là các quốc gia đã nhận được hơn 10 triệu liều vắc xin.

Theo UNICEF, tổng cộng có khoảng 207 triệu liều vắc xin đã được tài trợ theo các hình thức, từ tài trợ song phương cho đến thông qua sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới WHO hậu thuẫn. Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ so với số liều vắc xin cần thiết để viện trợ cho các nước nghèo theo khuyến nghị của một hội đồng độc lập do WHO thành lập. Hội đồng này khuyến nghị các nước giàu nên tái phân phối ít nhất 2 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình: 1 tỷ liều trước ngày 1/9 và 1 tỷ liều khác từ nay đến giữa năm 2022.

Một nghiên cứu của công ty phân tích Airfinity cho thấy các quốc gia giàu có đã mua nhiều vắc xin Covid-19 hơn mức họ cần. Nghiên cứu cho thấy các quốc gia như Mỹ, EU, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ dư thừa khoảng 1,2 tỷ liều vắc xin trong năm nay sau khi đã tiêm chủng cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện cũng như tiêm bổ sung liều tăng cường thứ ba. Hai nhà dịch tễ học hàng đầu WHO trong tuần này cũng lên án các quốc gia giàu vì tích trữ vắc xin, một động thái bị chỉ trích vì có nguy cơ kéo dài đại dịch. 

Trong khi đó, ở khoảng 50 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới, chủ yếu ở châu Phi, mới chỉ có chưa đầy 10% dân số được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin - theo dữ liệu của Our World in Data. Trên toàn châu Phi, tỷ lệ tiêm chủng bình quân mới đạt 5,5% dân số, mức thấp nhất trên toàn cầu.

Các chuyên gia y tế nổi tiếng đã cảnh báo thế giới cần tiêm chủng với quy mô rộng hơn để hạn chế sự xuất hiện các biến thể virus mới cũng như sớm kết thúc cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu. Ngoài những thách thức về y tế, sự chậm trễ trong vấn đề tiêm chủng có thể gây thiệt hại khoảng 2,3 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu từ năm 2022-2025, theo một ước tính của Economist Intelligence Unit. Và các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ gánh chịu thiệt hại lớn nhất (khoảng 2/3 thiệt hại ước tính), chứ không phải các nước giàu có.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark hôm 6/9 tuyên bố thế giới “rất cần” các quốc gia giàu có thực hiện cam kết tài trợ vắc xin Covid-19 cho các quốc gia nghèo trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan đang khiến số ca nhiễm mới tăng vọt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bình luận được đưa ra sau khi cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế nhóm G-20, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thuận rằng cần đảm bảo vắc xin Covid-19 đến được với mọi người dân, kể cả tại những quốc gia nghèo nhất.

“Cam kết là một chuyện, nhưng chúng ta cần các nước giàu thực hiện những cam kết (tài trợ vắc xin cho các nước nghèo). Tính đến tuần trước, mới chỉ có 89 triệu liều vắc xin được phân phối lại từ các quốc gia giàu sang các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình” - bà Helen Clark nhấn mạnh.


NTTD
Cùng chuyên mục