Sẽ không còn ưu đãi đại trà cho doanh nghiệp FDI
Sẽ không còn ưu đãi đại trà cho các dự án FDI
Thời kỳ “vàng" thu hút vốn ngoại
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ quí 1 ngày đầu tháng 4, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay: “Thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quí 1 với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ cao”.
Nguồn vốn FDI đăng ký mới đạt trên 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỉ đô la, tăng 6,2%, ông Mai Tiến Dũng, đồng thời cũng là người phát ngôn của Chính phủ, dẫn chứng.
Việt Nam đang ở thời kỳ “vàng" thu hút nguồn vốn ngoại. “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” xuất bản tháng 3 vừa qua cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam so với con số 48,7% doanh nghiệp Nhật hiện diện tại Trung Quốc. Hơn nữa, số doanh nghiệp Nhật muốn thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi công xưởng lớn nhất thế giới chiếm khoảng 6,7%; trong khi gần như rất ít doanh nghiệp Nhật Bản nghĩ tới việc dịch chuyển sản xuất khỏi Việt Nam.
“Sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản đã suy giảm, nguyên nhân là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc", ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nói. Theo ông: “Khi tính hấp dẫn của một thị trường thấp đi, chắc chắn nhà đầu tư sẽ tìm cơ hội đầu tư sang thị trường mới nổi khác".
Không chỉ từ thị trường Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia, các nhà đầu tư còn có xu hướng chuyển dịch từ Campuchia sang Việt Nam. Tháng 2 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu tiến trình xem xét kéo dài 18 tháng, có thể dẫn tới việc dừng miễn thuế hàng hoá xuất khẩu có nguồn gốc từ Campuchia sang khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này.
Cơ chế thương mại EBA (Everything but Arms), giúp hàng hóa của Campuchia dễ dàng tiếp cận thị trường EU với thuế suất 0%. Năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.
Hiện nay Campuchia xuất khẩu hàng dệt may, da giày sang châu Âu và Mỹ giống cơ cấu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. “Nhiều khả năng Việt Nam được hưởng lợi từ quyết định này”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói, “Tuy nhiên, cần có nghiên cứu cụ thể hơn”.
Báo cáo định hướng thu hút FDI thế hệ mới của IFC, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, cho thấy Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trên bản đồ địa điểm đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư muốn sản xuất hàng hoá và dịch vụ để xuất khẩu sang nước thứ ba. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia mang tới cơ hội tiếp cận các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Riêng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), dự kiến được ký kết trong tháng 5 này, có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7-8%.
Không còn ưu đãi đại trà
Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo về chiến lược thu hút nguồn vốn FDI giai đoạn mới, dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị trong tháng 4 này. Sau khi đề án được thông qua, Bộ KH&ĐT sẽ có các bước cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật hữu hiệu.
Nói về lý do xây dựng đề án, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay, Việt Nam đang ở kỳ cuối của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2011-2020 và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030.
Trong 30 năm qua, vốn FDI đã trở thành một hợp phần không thể thiếu trong nền kinh tế với khoảng 28.000 dự án, trị giá 300 tỉ đô la vốn đầu tư và 200 tỉ đô la vốn giải ngân. “Do đó, trong quá trình xây dựng chiến lược 10 năm 2021-2030, FDI vẫn là một bộ phận quan trọng”, ông Thắng nói. Song, để FDI giai đoạn tới phát huy hiệu quả thực sự, cần thay đổi cơ bản định hướng thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.
Thực tế, các nhà đầu tư ngoại chủ yếu đổ vốn vào lĩnh vực gia công, hoặc tham gia một phần vào chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, chi phí thấp. Các chính sách ưu đãi của Việt Nam cũng chủ yếu quan tâm tới số lượng mà bỏ ngỏ chất lượng. Hơn nữa, các nhà đầu tư chỉ coi Việt Nam như một địa chỉ trong khu vực Đông Nam Á để chia sẻ rủi ro trong chiến lược Trung Quốc+1 hay Thái Lan+1 của mình.
Trong thời gian tới, các dự án muốn vào Việt Nam phải là dự án công nghệ cao, hàm lượng chế biến sâu, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn lao động chất lượng.
Tiết lộ những điểm mới trong đề án, ông Thắng cho hay, nếu như trước đây, cứ doanh nghiệp công nghệ cao là được ưu đãi toàn bộ tổng giá trị sản xuất, sắp tới, chỉ công đoạn thực sự công nghệ cao mới được ưu đãi. Tránh trường hợp có những công ty công nghệ cao nhưng chỉ 30% giá trị gia tăng sản xuất ở Việt Nam, còn lại chủ yếu nhập khẩu.
“Ưu đãi cho các cấu phần R&D (Research and Development) cũng vậy, chỉ ưu đãi cho phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước, còn phần nhập khẩu không được hưởng ưu đãi”, ông Thắng nói.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt nam đang dần được cải thiện và đã lọt vào top ASEAN 4, đang trong giai đoạn hướng tới ASEAN 3. Vị Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ mong muốn: “Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư khi họ đến châu Á mà không phải là địa điểm chia sẻ rủi ro như hiện nay".
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế ADB cho hay, “thời" chi phí sản xuất thấp và lao động giá rẻ đã qua. Nhà đầu tư giờ đây sẽ nhìn vào nơi có năng suất lao động cao và môi trường kinh doanh minh bạch. Đây là những biện pháp mà Việt nam đang nỗ lực thực hiện.