Starbucks có tân CEO

05/09/2022 06:43 GMT+7
Ông Narasimhan tiếp nhận Starbucks trong bối cảnh tình hình kinh doanh của chuỗi cà phê bắt đầu có những khởi sắc sau đại dịch.

Starbucks mới đây công bố ông Laxman Narasimhan sẽ là tân CEO của doanh nghiệp này. Năm nay 55 tuổi, ông Laxman Narasimhan từng nắm giữ vị trí CEO Reckitt Benckiser Group PLC trong vòng 3 năm trở lại đây. Hôm 1/9, ông Narasimhan tuyên bố sẽ rời Reckitt vào ngày 30/9 tới. Trước đó, WSJ đưa tin rằng ông Marasimhan đang trong những vòng đàm phán cuối cùng cho một vị trí lãnh đạo cấp cao tại một công ty Mỹ.

Trước khi lãnh đạo tại Reckitt, ông Narasimhan cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại PepsiCo. PepsiCo và Starbucks có mối quan hệ hợp tác bền chặt thông qua thương hiệu cà phê uống liền của hãng này, trong đó bao gồm một thoả thuận được thực hiện khi ông Marasimhan còn là CEO PepsiCo Mỹ Latinh.

Starbucks có tân CEO - Ảnh 1.

Ông Laxman Narasimhan, tân CEO Starbucks. (Ảnh: Bloomberg).

Hồi tháng 3 năm nay, Starbucks cho biết CEO lúc đó của hãng này là ông Kevin Johnson sẽ nghỉ hưu. Thay vào đó, cựu CEO Starbucks là ông Howard Schultz sẽ trở lại và ngồi ghế CEO tạm thời bắt đầu từ tháng 4. Thời điểm đó, ông Schultz cho biết Starbucks đã mắc phải nhiều sai lầm trong vài năm trở lại đây và cần thay đổi.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã tìm thấy một cá nhân xuất chúng để trở thành CEO tiếp theo. Ông ấy là một lãnh đạo đã trải qua nhiều thử thách”, Mellody Hobson, chủ tịch hội đồng quản trị Starbucks, chia sẻ.

Ông Narasimhan sẽ chuyển từ London, Anh tới Seattle, Mỹ và gia nhập Starbucks trong vai trò CEO tương lai bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Bà Mellody Hobson cho biết hội đồng quản trị Starbucks đã đề nghị ông Schultz tiếp tục giữ ghế CEO tạm thời cho tới tháng 4/2023 để hỗ trợ ông Narasimhan bắt nhịp với công ty và làm quen với văn hoá. Ông Narasimhan sẽ lấy lại vai trò CEO và gia nhập hồi đồng quản trị chính thức vào ngày 1/4 năm sau.

Ông Schultz đã từng 2 lần chuyển giao vai trò CEO Starbucks trước đó song ông vẫn thường xuyên theo sát các vụ việc của công ty và duy trì mối quan hệ khăng khít với các lãnh đạo cấp cao của Starbucks.

Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, ông Schultz chia sẻ ông đã yêu cầu được tham gia một cuộc họp hội đồng quản trị của Starbucks gần 2 năm trước sau khi ngày càng quan ngại về những gì ông thấy tại các cửa hàng Starbucks và thông qua các cuộc nói chuyện không chính thức với các lãnh đạo công ty.

Mặc dù bà Hobson khẳng định ông Narasimhan sẽ hoạt động độc lập, ông Schultz vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt ở Starbucks.

“Ông ấy có một tiếng nói đặc biệt cùng một kiến thức sâu về kinh doanh mà không ai trong chúng tôi có và chúng tôi muốn điều đó”, bà Hobson nói về ông Schultz.

Starbucks có tân CEO - Ảnh 2.

Một cửa hàng Starbucks. (Ảnh: Bloomberg).

Trong hồ sơ đăng ký, Starbucks cho biết ông Narasimhan sẽ nhận được lương cơ bản 1,3 triệu USD/năm cùng với đó là các khoản khuyến khích bằng tiền mặt tương đương 200% lương cơ bản. Ở thời điểm gia nhập công ty, ông cũng sẽ nhận được khoản tiền 1,6 triệu USD.

Ông Narasimhan tiếp nhận Starbucks trong một giai đoạn khó khăn. COVID-19 khiến nhiều cửa hàng của Starbucks tạm thời đóng cửa. Cho tới thời điểm năm 2021, mặc dù doanh số đã phục hồi về mức trước đại dịch, năm nay, chi phí tăng đang bào mòn lợi nhuận của công ty. Starbucks cũng bắt đầu phải tăng giá sản phẩm.

Bên cạnh đó, trước áp lực của nhân viên và tỷ lệ nghỉ việc cao, Starbucks cũng bắt đầu tăng lương cho nhân viên từ tháng 8.

Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán kinh nghiệm của ông Narasimhan ở các công ty sản phẩm tiêu dùng toàn cầu cũng như những gì ông đã cải tiến về mặt vận hành và kinh doanh của Reckitt sẽ phát huy tác dụng tại Starbucks. Dù vậy, không ít người nói rằng việc ông thiếu kinh nghiệm ở mảng nhà hàng và ông Schultz vẫn liên tục tham gia khiến ông Narasimhan giống một người đồng CEO hơn.

“Mặc dù tôi không có kế hoạch trở lại Starbucks, tôi biết rằng công ty phải chuyển đổi một lần nữa để đạt đến một tương lai mới mẻ và thú vị nơi tất cả các bên liên quan đến được thăng hoa như nhau”, ông Schultz chia sẻ trong một bài phỏng vấn hồi tháng 3.

Một hội đồng bên trong Starbucks, bao gồm ông Schultz và một số thành viên hội đồng quản trị, đã cùng làm việc để tìm kiếm một CEO mới. Chuỗi cà phê đã xác định một số phẩm chất cho người lãnh đạo mới, bao gồm làm việc có mục đích, có kinh nghiệm trong các tổ chức lớn, phức tạp và có kinh nghiệm trong hoạt động quốc tế.

Hồi tháng 6, ông Schultz nói rằng Starbucks đang chỉ cân nhắc các ứng viên bên ngoài cho vị trí CEO. Nguồn tin thân cận cho biết trong suốt nhiều tháng Starbucks đã phỏng vấn các ứng viên bên ngoài công ty. Hồi giữa tháng 8, ông John Culver, giám đốc vận hành Starbucks, cho biết sẽ từ chức vào tháng 10. Starbucks cho biết vị trí này cũng sẽ được loại bỏ khi tìm ra CEO mới. Ông Culver từng được xem là ứng viên tiềm năng cho ghế CEO.

Sau khi ông Schultz trở lại vào tháng 4 trong vai trò CEO tạm thời, ông Schultz và nhiều lãnh đạo đã bắt đầu đánh giá các vấn đề mà Starbucks cần thay đổi để cải thiện. Lãnh đạo cũng tò chuyện với nhân viên về công việc của mình để hiểu về những gì họ cần thay đổi. Bên cạnh đó, Starbucks cũng thực hiện nhiều nghiên cứu khác liên quan đến thiết kế cửa hàng, đẩy mạnh đầu tư vào nhân sự và mạnh hành.

Hồi tháng 8, Starbucks cho biết doanh thu tại Mỹ trong quý II cao hơn kỳ vọng của giới phân tích song chi phí hoạt động cũng tăng.

Bà Hobson cho biết hội đồng quản trị ủng hộ những gì ông Schultz làm trong vai trò CEO tạm thời song đây sẽ là nền tảng cho sự tiếp nhận của ông Narasimhan. Tân CEO sẽ có thời gian học hỏi về tình hình kinh doanh của Starbucks dưới sự hỗ trợ của ông Schultz song hội đồng quản trị cũng khuyến khích ông Narasimhan dùng năng lực của mình để làm những điều ông cho là đúng.

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh
Cùng chuyên mục