Sức tiêu thụ sụt giảm, giới đầu cơ không mặn mà, giá hạt tiêu khó bứt phá

19/12/2022 15:55 GMT+7
Lo ngại lãi suất tiền tệ tăng cao và sức tiêu thụ sụt giảm đã khiến giới đầu cơ không mặn mà với thị trường hạt tiêu...

Giá tiêu hôm nay (19/12) duy trì đi ngang tại các tỉnh trọng điểm

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đồng/kg.

Trong đó, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai đang ghi nhận mức giá thấp nhất là 57.500 đồng/kg. Tiếp đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với cùng mức giá thu mua 58.500 đồng/kg. Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ổn định tại mức tương ứng là 59.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg. Tổng kết tuần qua, giá hồ tiêu trong nước mất 2.000 đồng/kg.

Chốt tuần, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tại 3.806 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 giữ ở mức 2.500 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok lên 5.923 USD/tấn sau khi thêm 0,08%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Ngoài ra, IPC 2 lần điều chỉnh giảm giá tiêu xuất khẩu tại Việt Nam trong tuần. Cụ thể, giá tiêu đen giao dịch ở 3.050 - 3.150 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l, giảm trung bình 100 USD/tấn mỗi loại; giá tiêu trắng ở mức 4.550 USD/tấn.

Trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch hồ tiêu trong nước đang cận kề, hiện có nhiều dự đoán về thị trường trong năm tới, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là diện tích và sự kỳ vọng của nông dân trồng tiêu sẽ ngày càng giảm sút trong năm 2023.

Sức tiêu thụ sụt giảm, giới đầu cơ không mặn mà, giá tiêu khó bứt phá - Ảnh 1.

Những ngày đầu tháng 12/2022, giá hạt tiêu thế giới biến động không đồng nhất so với cuối tháng 11/2022, tăng tại Indonesia, ổn định tại Brazil, Việt Nam, nhưng giảm ở Malaysia.

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/12/2022, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng lần lượt 27 USD/tấn và 43 USD/tấn so với ngày 29/11/2022, lên mức 3.804 USD/tấn và 5.992 USD/tấn. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 8/12/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ổn định ở mức 3.150 USD/tấn và 3.250 USD/tấn so với ngày 29/11/2022. Giá hạt tiêu trắng ổn định mức 4.600 USD/tấn so với ngày 29/11/2022.

Tại Brazil, ngày 8/12/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định ở mức 2.626 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 8/12/2022, giá hạt tiêu đen giảm 200 USD/tấn so với ngày 29/11/2022, xuống còn 4.900 USD/ tấn; giá xuất khẩu hạt tiêu trắng ổn định ở mức 7.300 USD/tấn. 

Dự báo thị trường hạt tiêu thế giới sẽ không biến động mạnh. Các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ nhập khẩu với số lượng hạn chế do chuẩn bị nghỉ lễ Giáng Sinh. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc quay trở lại thị trường, song lượng mua không lớn.

Trước đó, những ngày đầu tháng 12/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm so với cuối tháng 11/2022, do các thị trường xuất khẩu chủ lực hạn chế nhập khẩu. Ngày 9/12/2022, giá hạt tiêu đen giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg (tương đương mức giảm 0,82 – 1,67%) so với ngày 30/11/2022, xuống mức thấp nhất 59.000 đồng/ kg tại tỉnh Đồng Nai, mức cao nhất 62.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 106.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 11/2022, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 127.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 16,27 nghìn tấn, trị giá 60,31 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 giảm 0,6% về lượng và giảm 20,5% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 208,17 nghìn tấn, trị giá 896,88 triệu USD, giảm 15,4% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.706 USD/tấn, giảm 2,1% so với tháng 10/2022 và giảm 20,1% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.308 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu thị trường: Tháng 11/2022 so với tháng 11/2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chính giảm, gồm: Hoa Kỳ; Đức, Hà Lan, Philipines, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga tăng. 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết thị trường chính giảm, ngoại trừ Ấn Độ, Philipines, Hàn Quốc, Nga tăng.

Sức tiêu thụ sụt giảm, giới đầu cơ không mặn mà, giá tiêu khó bứt phá - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục sụt giảm cả lượng lẫn giá do lãi suất vốn tín dụng đã được nhiều ngân hàng trung ương nâng lên vì lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái và giá trị các tiền tệ mới nổi vẫn đang trên đà suy yếu, khiến đầu cơ vắng bóng trên thị trường xuất khẩu tiêu thế giới. Trong khi đó giới kinh doanh hạt tiêu xuất khẩu tại Việt Nam tiếp tục trông chờ thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới là Trung Quốc cải thiện chính sách “Zero Covid” vốn không thân thiện với thị trường hàng hóa nói chung để tăng mua trở lại khi nhu cầu tiêu dùng cho kỳ lễ tết năm Quý Mão 2023 cũng đã cận kề.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục