PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Tăng lương cơ bản mới chỉ là giải pháp tạm thời, bước đầu

11/07/2023 12:06 GMT+7
Quyết định tăng lương cơ bản từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề về tiền lương cần thay đổi căn bản từ việc cải cách cơ chế.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đây mới là bước đầu trong việc thực hiện cải cách tiền lương. Do đó, để chính sách có hiệu quả, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ, toàn diện trong vấn đề về tiền lương.

Đánh giá rủi ro lạm phát trong trường hợp giá cả hàng hóa "té nước theo mưa" cùng tiền lương, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) bày tỏ góc nhìn tích cực khi cho rằng nguy cơ này không lớn.

Cụ thể, vị chuyên gia nhận định, hiện tại, lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp, chính sách tăng lương cơ bản cũng đã được chuẩn bị, dự báo từ sớm, không phải tăng "đột ngột". Do đó, áp lực giá cả thị trường trong giai đoạn 6 tháng cuối năm không cao.

Tăng lương cơ bản mới chỉ là giải pháp tạm thời, bước đầu - Ảnh 1.

Sau khi tăng lương cơ bản, xuất hiện nhiều lo ngại giá cả hàng hóa thị trường sẽ "té nước theo mưa".

"Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, chính sách tăng lương tốt cho hoạt động kích cầu của các ngành. Bên cạnh đó, lạm phát hiện tại đang ở mức thấp nên tôi nghĩ sẽ không có nhiều nguy cơ.

Đồng thời việc tăng lương đã được dự báo trước từ lâu, trong trường hợp xảy ra lạm phát nếu có đã được phản ánh vào giá cả thị trường. Theo tôi, hiệu ứng từ chính sách này chủ yếu sẽ có thiên hướng về mặt tích cực", PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định.

Phân tích sâu hơn, ông Cường cho biết, chính sách tăng lương cơ bản hiện nay mới chỉ là bước đầu. Trước đó, đề án cải cách tiền lương đã được Chính phủ và các cơ quan ban ngành đề cập từ lâu và đó là phương án thay đổi từ cơ bản.

"Việc tăng tiền lương chỉ là giải pháp tạm thời, chúng ta muốn tạo động lực cho cán bộ làm việc về lâu dài cần có chế độ tiền lương phù hợp. Đề án cải cách tiền lương sẽ phải đi cùng với đề án về cải cách bộ máy tổ chức các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước và hàng loạt các vấn đề liên quan.

Đây sẽ là một thách thức rất lớn do việc cải cách tiền lương còn liên quan tới rất nhiều vấn đề. Ví dụ như trong cải cách tiền lương còn cần xây dựng sao cho phù hợp với vị trí việc làm, sắp xếp bộ máy tổ chức, tiết kiệm hiệu quả trong chi tiêu,…", PGS.TS Vũ Sỹ Cường chia sẻ.

Ngoài ra, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng nhận định thêm, ý nghĩa tích cực của việc cải cách tiền lương còn nằm ở chỗ, với đối tượng về hưu, người được hưởng trợ cấp xã hội sẽ tăng thêm một khoản thu nhập. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, đây sẽ là động lực cải thiện cuộc sống cho các nhóm đối tượng này.

Đồng quan điểm, ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội cũng cho rằng, trong bối cảnh, nhiều công chức, viên chức ra khỏi ngành do thu nhập không đảm bảo, việc tăng lương có ý nghĩa lớn. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu vẫn nằm ở hoạt động cải cách tiền lương.

Cụ thể, ông Diệp dẫn chứng từ Nghị quyết 27 nêu rõ, tiền lương của người lao động phải đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ chiếm 70% trong cơ cấu, còn lại là phụ cấp... Đồng thời, trả lương theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo quản lý, phụ cấp chức vụ. Để cải cách có hiệu quả, ý nghĩa, cần thực hiện đồng bộ việc tiết kiệm, tăng thu ngân sách,…

Cũng liên quan đến nội dung trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp do đã có những quy định đã cũ.

Điển hình về lĩnh vực thuế, cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, ví dụ như khi lương cơ bản tăng, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập các nhân là bao nhiêu? Nếu vẫn áp theo mức thuế hiện tại, trong trường hợp lạm phát gia tăng có thể gây ra tình trạng lạm thu, bất hợp lý với một số nhóm đối tượng.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục