Thặng dư thương mại Trung Quốc tăng kỷ lục nhưng dự trữ ngoại hối chỉ nhích nhẹ: tiền đã đi đâu?
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào năm ngoái đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ với hàng hoá xuất khẩu Trung Quốc, dẫn đến thặng dư thương mại tăng cao nhất trong vòng 5 năm. Trong khi đó, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI vào Trung Quốc đạt 163 tỷ USD, vượt qua Mỹ trở thành quốc gia hút vốn đầu tư lớn nhất thế giới. Nhưng tổng cộng 535 tỷ USD thặng dư thương mại và dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc không làm cho dự trữ ngoại hối nước này tăng lên như trước đây. Vậy tiền đã đi đâu?
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ tăng 108 tỷ USD trong năm 2020, số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC.
Trong quá khứ, Bắc Kinh đã phụ thuộc rất nhiều vào sự can thiệp ngoại hối để quản lý tỷ giá hối đoái đồng NDT. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc thường bán các khoản thu bằng USD thu được từ hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn - Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Sau đó, PBOC sẽ mua lại lượng ngoại tệ đó trên thị trường liên ngân hàng, biến chúng thành nguồn dự trữ của ngân hàng Trung ương. Đổi lại, PBOC sẽ bán NDT cho các ngân hàng để bơm nội tệ vào hệ thống tài chính.
Nhưng cơ chế này đã chuyển dịch theo hướng nới lỏng vào năm ngoái. Chênh lệch giữa nguồn ngoại tệ đi vào và dự trữ ngoại hối quốc gia Trung Quốc phản ánh dòng tiền được phép chảy ra ngoài đất nước. Bên cạnh đó là dòng tiền mà các nhà xuất khẩu giữ lại ở nước ngoài để tài trợ cho dòng đầu tư nước ngoài mới.
Tommy Xie Dongming, nhà kinh tế của Ngân hàng OCBC cho biết một cách mà ngoại hối chảy ra ngoài Trung Quốc là do các nhà xuất khẩu nắm giữ tài khoản bằng đồng USD tại nước ngoài hoặc tại các ngân hàng thương mại trong nước dưới dạng ngoại tế, mà các ngân hàng được khuyến khích sử dụng để cho vay ở nước ngoài.
Dữ liệu về các khoản thu và chi trên thị trường quốc tế của các ngân hàng cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa vượt quá 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Thặng dư thương mại hàng hóa quay trở về nước thực tế là khoảng 1,2 nghìn tỷ NDT (tương đương 185,7 tỷ USD), chiếm 32% trong số 3,7 nghìn tỷ NDT tổng thặng dư thương mại. Điều đó có nghĩa là 68% số tiền thặng dư thương mại hàng hóa theo tài khoản hải quan không được chuyển trở lại Trung Quốc, một số nhà quan sát lập luận.
Đồng thời, tiền gửi ngoại tệ trong nước của các tổ chức tài chính Trung Quốc đã tăng lên 890 tỷ USD vào cuối năm 2020, tức tăng 132 tỷ USD so với mức 758 tỷ USD vào năm 2019.
Paul Mackel, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của HSBC cho biết dự trữ ngoại hối tăng ít hơn dự kiến là hiện tượng sau khi chính phủ Trung Quốc chuyển trọng tâm sang các quy định tiền tệ mới để quản lý dòng chảy tiền tệ xuyên biên giới. Đây là một phần nỗ lực thúc đẩy quốc tế hoá đồng NDT, sử dụng NDT trong các giao dịch thương mại và tài chính toàn cầu. Trong suốt thời gian qua, Bắc Kinh đã cho ra hàng loạt quy chế mới nhằm khuyến khích dòng tiền NDT chảy ra ngoài biên giới, ví dụ quy định khuyến khích các tập đoàn cho vay nhiều hơn (đặc biệt là bằng đồng NDT) ở nước ngoài. “Chúng tôi nghĩ rằng hiện tại là tình huống chín muồi để thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trong các giao dịch thương mại. Dòng tiền NDT (trên thị trường quốc tế) sắp tăng lên”.
Có kỳ vọng ngày càng tăng rằng Trung Quốc sẽ cho phép dòng vốn chảy ra lớn hơn trong khi nói lỏng kiểm soát các nguồn vốn đầu tư nước ngoài khi Bắc Kinh tự tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Dữ liệu cán cân thanh toán mới nhất cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc lên tới 1,18 nghìn tỷ NDT trong ba quý đầu năm 2020. Trong số đó, 490,3 tỷ NDT đã trở thành dòng vốn đầu tư nước ngoài và chỉ 24,9 tỷ NDT, tương đương 2%, được chuyển thành dự trữ ngoại hối.
Chen Ran, nhà phân tích kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Quốc tế Chasing cho biết PBOC đang dần cắt giảm can thiệp vào thị trường ngoại hối, qua đó giảm dự trữ ngoại hối bất chấp thặng dư thương mại tăng cao.