Thấy Australia hạ lãi suất, ông Trump kêu gọi FED nới lỏng chính sách tiền tệ

03/03/2020 20:32 GMT+7
Tổng thống Donald Trump mới đây vừa kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi Ngân hàng Trung Ương Australia cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục do sự bùng phát dịch virus corona.
Thấy Australia hạ lãi suất, TT Trump kêu gọi FED hành động ngay để xoa dịu tổn thất kinh tế - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch FED Jerome Powell (phải)

Ngân hàng Trung Ương Australia (RBA) hôm 3/3 đã cắt giảm lãi suất 0,25%, đưa lãi suất cơ bản từ 0,75% xuống 0,5%, mức thấp kỷ lục. Philip Lowe, thống đốc ngân hàng Australia cho hay dịch virus corona đã giáng đòn lên chuỗi cung ứng toàn cầu, và rằng việc cắt giảm là một “quyết định hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch virus corona bùng phát”.

Vài giờ sau khi Ngân hàng Trung Ương Australia tuyên bố cắt giảm lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức lên tiếng trên Twitter, chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang FED Jerome Powell vì những sai lầm “ngay từ phút đầu tiên”.

“Ngân hàng Trung Ương Australia đã cắt giảm lãi suất và tuyên bố có thể giữ chính sách tiền tệ dễ dàng hơn để bù đắp cho nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng đang làm điều tương tự. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại buộc chúng ta trả mức lãi suất cao hơn khi chúng ta cần mức lãi suất thấp hơn như vậy” - ông Trump tuyên bố. 

“Điều đó đang gây ra khó khăn với các nhà xuất khẩu và đặt Mỹ vào tình huống bất lợi trong cạnh tranh thương mại. Phải có một biện pháp khác đi. Nghĩa là FED nên nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất nhiều hơn”, Tổng thống Mỹ nói thêm.

Lâu nay, Donald Trump đã thường xuyên chỉ trích vai trò của Cục Dự trữ Liên bang cũng như Chủ tịch Jerome Powell vì giữ mức lãi suất cơ bản của Mỹ ở mức cao hơn kỳ vọng của ông Trump, dù cho FED đã 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019 với tổng mức cắt giảm tới 0,75%. Trump tin rằng mức lãi suất thấp, thậm chí lãi suất âm sẽ giúp ích lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Hồi cuối tháng 1, ông nhận định: “Nếu họ (FED) không tăng nhanh lãi suất, tôi nghĩ rằng nước Mỹ đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP gần 4%. Và chúng ta cũng có thể chứng kiến mức tăng mạnh từ 5.000-10.000 điểm với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán. FED đã giết chết những khả năng đó khi họ tăng lãi suất. Đó là một sai lầm lớn”.

Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang giữ một lập trường độc lập. Các quan chức FED lập luận rằng mọi quyết định chính sách của cơ quan này đều được đưa ra dựa trên những dữ liệu về thị trường việc làm và lạm phát, chứ không phải ý chí chính trị hay áp lực từ cơ quan, cá nhân nào khác.

Khi dịch virus corona lan rộng ra toàn cầu và tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế, các nhà phân tích dự kiến Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm đưa ra các kích thích tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước bất kỳ tổn thương nào. Goldman Sachs hôm 2/3 nhận định FED nhiều khả năng sẽ cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào giữa tháng 3.

Thị trường hiện cũng định giá 100% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,5% trong tháng 3, theo công cụ đo lường Fed Watch.

Về phía Cục Dự trữ Liên bang, Chủ tịch FED hồi tuần trước cam kết ngân hàng trung ương đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của dịch virus corona và sẽ có hành động hỗ trợ kinh tế kịp thời nếu cần thiết.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục