Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nga: "Thương chiến Mỹ Trung, đang gây áp lực nặng nề lên kinh tế Nga"
Phát biểu tại Hội nghị thường niên do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tổ chức tại Washington, bà Elvira Nabiullina cho rằng thương chiến Mỹ Trung nên được dàn xếp nhanh chóng trên tinh thần xây dựng, bởi bất cứ sự leo thang căng thẳng nào cũng có nguy cơ trở thành rủi ro lớn cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
“Trong một viễn cảnh như vậy, chính sách tiền tệ gần như rất ít mang lại hiệu quả trong việc vực dậy những suy yếu của kinh tế toàn cầu. Thậm chí, một chính sách tiền tệ mạnh mẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính, gây bất ổn trong hệ thống tài chính, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi”.
Hôm 16/10, Ngân hàng Thế giới vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước Nga năm 2019 từ 1,2% xuống chỉ còn 1%, lần hạ triển vọng kinh tế Nga thứ 4 liên tiếp trong năm nay. Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nga nhận định những bất ổn thương mại và địa chính trị toàn cầu, đặc biệt là thương chiến Mỹ Trung, đang gây áp lực nặng nề lên kinh tế Nga, nhưng đồng thời thể hiện sự lạc quan rằng bức tranh triển vọng ngày càng tươi sáng.
“Tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại chính như Trung Quốc và EU đang giảm tốc rõ rệt. Đó là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Nga chậm lại, gây suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2019.” - trích lời bà Elvira Nabiullina. Bà cũng chỉ ra rằng tình hình EU đang lạc quan dần lên khi Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây tiết lộ Anh và EU đang đạt đến một thỏa thuận ly khai ngay trước thời hạn ly khai 31/10. Kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vực dậy nhanh chóng sau những tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung gần đây.
Mỹ và Trung Quốc hồi giữa tháng 10 đã nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, theo đó Mỹ đồng ý đình chỉ một phần kế hoạch thuế quan với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cam kết nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ liệu thỏa thuận này có sớm được ký kết hay không, khi mà Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 17/10 tuyên bố Mỹ cần dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nếu muốn đạt đến thỏa thuận cuối cùng.
Dù cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng đưa phái đoàn đàm phán sang làm việc tại Bắc Kinh, ông Cao Phong cũng chưa xác nhận liệu thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được ký kết vào thời gian nào, và vòng đàm phán tiếp theo đã ấn định thời gian hay chưa.
Nga nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy lùi nguy cơ suy thoái
Chính phủ Nga hồi đầu năm đã tăng thuế VAT từ 18% lên 20% trong một nỗ lực tạo ra dư địa tài khóa để tài trợ cho các dự án quốc gia, nhưng theo bà Elvira Nabiullina, sự chậm trễ trong nguồn ngân sách chi tiêu công đã phần nào hạn chế hiệu quả của chính sách tài khóa. Cùng với đó, thắt chặt chính sách tiền tệ cũng làm cho tình hình trở nên xấu đi. “Chúng tôi buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với các nguy cơ lạm phát bùng nổ từ việc tăng thuế VAT”.
Tuy nhiên, cho đến tháng 9/2019, Nga có vẻ như đã không còn kiên nhẫn để duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng” trên, khi mà nền kinh tế ngày càng lao đao do ảnh hưởng của bất ổn thương mại - chính trị toàn cầu. Ngân hàng Trung Ương Nga đã cắt giảm lãi suất 0,25%, đưa mức lãi suất mục tiêu xuống 7%. Một số chuyên gia phân tích còn dự đoán Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 10 tới đây.
Thống đốc Elvira Nabiullina bày tỏ sự lạc quan về hiệu quả của chính sách tiền tệ trong việc kích thích nền kinh tế. “Tăng trưởng GDP của Nga sẽ trở lại mức 1,5-2% trong năm 2020”.