Thu phí BOT đạt hơn 11.000 tỷ đồng năm 2021

21/02/2022 18:43 GMT+7
Hiện cả nước có 62 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý, trong đó có 8 dự án đang tạm dừng thu phí và chỉ còn 54 dự án BOT đang thu phí với tổng số thu phí năm 2021 là hơn 11.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh thu từ các dự án BOT trong quý I hơn 3.300 tỷ đồng; quý II là hơn 3.140 tỷ đồng; quý III là hơn 1.700 tỷ đồng và quý IV là gần 3.000 tỷ đồng", Tổng cục Đường bộ VN cho hay.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với công tác tổ chức thu, công tác hạch toán và báo cáo của nhà đầu tư.

Đồng thời, quá trình giám sát kịp thời phát hiện các tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm. Cùng đó tăng cường áp dụng công nghệ để tăng cường kiểm soát công tác thu phí của nhà đầu tư.

Nhằm tăng cường giám sát hiệu quả hoạt động thu phí tại các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng phần mềm giám sát doanh thu độc lập, kết nối với dữ liệu tại các trạm thu phí để giám sát chặt, chống thất thoát doanh thu.

Thu phí BOT đạt hơn 11.000 tỷ đồng năm 2021 - Ảnh 1.

Trạm thu phí Cao Bồ do VEC quản lý. Ảnh: VEC

Các Cục Quản lý Đường bộ khu vực có trách nhiệm định kỳ thực hiện kiểm tra số thu phí dịch vụ đường bộ, lưu lượng xe qua trạm thu phí và công tác sao lưu dữ liệu tại các trạm thu phí.

Đối với các nhà đầu tư dự án BOT, Tổng cục yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước và của hợp đồng dự án đối với việc quản lý thu, chi. Xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí.

Đồng thời, tăng cường tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác thu phí; triển khai các biện pháp chống gian lận và thất thoát doanh thu thu phí; có hình thức xử nghiêm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Bên cạnh đó, thực hiện thu phí theo quy định của pháp luật, hợp đồng BOT. Thực hiện chế độ báo cáo, sao lưu dữ liệu, công khai thông tin về dự án theo quy định.

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) rà soát, khắc phục lỗi hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Cụ thể, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình liên tiếp xảy ra các lỗi khiến cho nhiều tài xế bức xúc.

Ngày 9/2/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí kiểm tra thực tế trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Qua kiểm tra thực tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận hiện tượng thiết bị đầu đọc ở trạm Vực Vòng không đọc được tín hiệu; nhân viên giám sát không kiểm tra kỹ thông tin dẫn đến việc trả lời chủ phương tiện không chính xác, gây bức xúc cho chủ phương tiện.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu VEC phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần Giao thông số VN theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết, quy chế phối hợp giữa các bên trong việc tra cứu thông tin khách hàng bảo đảm cung cấp thông tin, trả lời chủ phương tiện kịp thời, chính xác, tránh gây hiểu lầm, bức xúc dẫn đến dư luận không tốt về dự án thu phí điện tử không dừng.

Thế Anh
Cùng chuyên mục