Thủ tướng chỉ đạo “nóng” quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu kinh tế
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 và quy định pháp luật về quy hoạch.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.
Tại văn bản số 739/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định.
Hồi đầu tháng 8/2019, UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật Đặc khu) được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng có đề nghị cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.
Tỉnh cũng đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch nhưng dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua nên việc lập quy hoạch huyện đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo tỉnh Kiên Giang, đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004 đã không còn phù hợp với thực tế sự phát triển huyện đảo Phú Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Theo Luật quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc đã vượt mức quy hoạch được phê duyệt.
Chính bởi thế, nếu phải chờ quy hoạch lập theo Luật quy hoạch thì Phú Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Thủ tướng cho áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch và được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thực hiện thanh toán với tư vấn nước ngoài.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản tại Phú Quốc diễn biến theo 2 chiều sau khi quyết địn lùi thời gian thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Theo ông, các nhà đầu tư lớn, bài bản, dài hạn sẽ ít phải chịu ảnh hưởng bởi nếu Phú Quốc không trở thành đặc khu kinh tế thì đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng nên sẽ không có nguy cơ thị trường bất động sản đóng băng sau quyết định này. Việc lùi thời hạn sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đến những nhà đầu cơ lướt sóng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tỉnh Kiên Giang đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua là hợp lý.
"Chúng tôi đã có những đánh giá về thị trường bất động sản Phú Quốc, số liệu cho thấy giao dịch khu vực này hiện ở mức độ trầm lắng. Sự trầm lắng này là do hệ quả sự rối ren vừa qua. Chính sự hỗn loạn khiến nhà đầu tư mất niềm tin, không dám rót tiền", ông Đính giải thích.
Ông cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do Phú Quốc chưa có quy hoạch cụ thể phát triển sử dụng đất, đầu tư và phát triển hạ tầng phát triển kinh tế huyện đảo Phú Quốc như thế nào. Chính vì sự chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu quy hoạch, kế hoạch này nên đã tạo nên sự hỗn loạn, bất an cho nhà đầu tư.