Thuế chống bán phá giá về 0%: Xuất khẩu tôm chớp cơ hội
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, đây không phải là lần đầu tiên DOC áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tôm Việt Nam là 0%. Trước đó đã từng có khoảng 4 - 5 kỳ POR mà tôm Việt Nam được tính thuế CBPG là 0%.
Kết luận sơ bộ của POR13 chưa có tác động tới xuất khẩu tôm sang Mỹ, vì vẫn còn phải chờ vài tháng nữa để DOC công bố kết luận cuối cùng. Nếu trong kết luận cuối cùng của POR13, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn nhận mức thuế CBPG là 0%, sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nguồn cung khác, nhất là tôm Ấn Độ.
Hiện nay, tôm Việt Nam và tôm Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ đi vào 2 phân khúc khác nhau. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ tôm sơ chế (nguyên con, bỏ đầu…). Còn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu tôm chế biến hoặc có hàm lượng chế biến. Dù đi 2 phân khúc khác nhau, nhưng với thuế CBPG hiện khoảng 2% tôm Ấn Độ đang thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà nhập khẩu Mỹ so với tôm Việt Nam (thuế CBPG với tôm Việt Nam trong POR12 là 4,58%).
Do đó, nếu kết quả cuối cùng của POR13 vẫn là 0% với tôm Việt Nam, nhiều khả năng các khách hàng Mỹ sẽ chuyển sang tôm Việt Nam nhiều hơn vì có độ tin cậy cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng… Kích cỡ của tôm Việt Nam cũng thường được người tiêu dùng Mỹ ưa thích hơn.
Chế biến tôm xuất khẩu
Dầu vậy, việc DOC tính thuế CBPG là 0% với tôm Việt Nam trong kết quả sơ bộ của POR13, cũng đang mang tới những hy vọng hơn cho ngành tôm khi mà xuất khẩu tôm vẫn đang sút giảm về giá trị bởi ảnh hưởng của giá tôm thấp trên toàn cầu. Bởi kinh nghiệm từ những lần xem xét hành chính thuế CBPG trước đây của DOC cho thấy, xuất khẩu tôm sang thị trường quan trọng là Mỹ đều khởi sắc sau khi DOC công bố kết luận cuối cùng mà tôm Việt Nam được tính thuế CBPG 0% hoặc ở mức rất thấp. Qua đó, tác động tích cực với xuất khẩu tôm nói chung. Chẳng hạn, năm 2013, tại kỳ xem xét hành chính thuế CBPG với tôm Việt Nam lần thứ 7 (POR7), DOC đã tính thuế 0% với tôm Việt Nam, thì trong năm 2014, xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 3,95 tỷ USD.
Theo VASEP, từ ngày 1/1 đến 15/3, xuất khẩu tôm đạt giá trị 486,143 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm về giá trị xuất khẩu là do giá tôm trên thị trường thế giới vẫn đang thấp do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu.
Mỹ đang là thị trường lớn thứ 3 của tôm Việt Nam, sau EU và Nhật Bản. Từ đầu năm đến giữa tháng 3, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 79,794 triệu USD, giảm 16,8% so cùng kỳ 2018.