Tiền tiêu rủng rỉnh nhờ bỏ phố về quê trồng nấm sạch

27/03/2020 06:00 GMT+7
Năm nay mới bước sang tuổi 38, nhưng anh Lê Đình Trúc đã trở thành ông chủ của một trong những trang trại sản xuất nấm sạch lớn bậc nhất tỉnh Thanh Hóa.

Bỏ phố về quê làm nông nghiệp

Được làm công việc mình yêu thích; có thu nhập thuộc hàng "khủng" ở nông thôn; tạo dựng được thương hiệu kinh doanh với những sản phẩm của riêng mình… Đó là thành quả mà anh Lê Đình Trúc (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đạt được sau quyết định táo táo bạo "bỏ phố về quê" cách đây 10 năm.

Năm nay mới bước sang tuổi 38, nhưng anh Lê Đình Trúc đã trở thành ông chủ của một trong những trang trại sản xuất nấm sạch lớn bậc nhất tỉnh Thanh Hóa. Hơn chục năm về trước, anh chưa từng nghĩ có một ngày mình sẽ trở lại quê hương để làm nông nghiệp. 

Anh Lê Đình Trúc chưa từng nghĩ có một ngày sẽ trở bề quê hương để lập nghiệp

“Ngày nhỏ, gia đình tôi làm ruộng, cuộc sống rất khó khăn. Bố mẹ kỳ vọng, bản thân tôi cũng luôn mong muốn học hành đỗ đạt để sau này thoát khỏi cảnh một nắng hai sương vất vả trên đồng”, Lê Đình Trúc chia sẻ.

Vì mong muốn ấy, anh đã cố gắng học tập chăm chỉ và thi đậu chuyên ngành điện, Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ra trường, anh quyết định ở lại miền Nam làm việc rồi lập ra đình. Nhưng, một cơ duyên đến bất ngờ, đã khiến anh chàng kỹ sư ngành điện quyết định về quê khởi nghiệp.

“Một lần, được bạn rủ xuống Đồng Nai chơi, tôi thấy người dân ở đây cũng làm nông nghiệp như người dân quê mình, nhưng cuộc sống của họ khá giả hơn rất nhiều. Hỏi ra mới biết, bà con giàu lên nhờ nghề trồng nấm. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tại sao mình không trở về quê trồng nấm nhỉ? Và thế là tôi đưa ra quyết định mà không phải đắn đo nhiều”- anh Trúc vui vẻ cho biết.

Khu vực sản xuất giá thể nấm được trang bị máy móc hiện đại.

Lê Đình Trúc chính thức rời TP.HCM về quê- một huyện miền núi còn nhiều khó khăn từ năm 2009. Xã Yên Thọ quê anh là đất thuần nông, các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa... rất nhiều. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất giá thể nấm. 

Tận dụng điều đó, anh Trúc bắt tay xây dựng mô hình trồng nấm, với rất nhiều khó khăn ban đầu như: Chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân công có tay nghề... Qua quá trình sản xuất, với bao lứa nấm bị đổ bỏ, kinh nghiệm dày lên, kĩ năng thành thục, trang trại của gia đình anh ngày càng phát triển.

Sử dụng trước khi đến tay khách hàng

Năm 2013, vợ chồng anh thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng. Diện tích trồng nấm cũng tăng dần từ 3000m2, lên 5000m2 và hiện tại là hơn 10000 m2. Lê Đình Trúc mua sắm máy móc, xây dựng hệ thống nhà kính, đào tạo công nhân… 

Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền mà anh đầu tư vào trang trại trồng nấm đã lên tới trên 5 tỷ đồng. Bù lại, nấm được chăm sóc đúng theo quy trình an toàn thực phẩm nên không chỉ thơm ngon, giàu dưỡng chất mà còn có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Phượng - vợ anh Lê Đình Trúc đang thu hoạch nấm.

“Thực phẩm mình sản xuất ra, mình phải sử dụng trước khi đưa đến cho khách hàng. Đó là điều tôi luôn tâm niệm, nên từ khi khởi nghiệp đến bây giờ, tôi luôn đưa yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, xem đó là điểm mấu chốt để tạo dựng thương hiệu….”, anh bộc bạch.

Các sản phẩm nấm chủ lực mà trang trại của anh Lê Đình Trúc sản xuất bao gồm nấm thực phẩm (nấm sò, nấm bào ngư, nấm rơm, mộc nhĩ…) và nấm dược liệu (nấm linh chi, nấm lim xanh…). Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Trúc Phượng sản xuất được khoảng 60 tấn nấm ăn và nấm dược liệu. 

Hiện tại, anh Lê Đình Trúc đã bước đầu xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Ngoài ra anh cũng kí hợp đồng cung cấp nấm cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Thanh Hóa, mở văn phòng đại diện tại Hà Nội nhằm cung cấp nấm sỉ và lẻ cho Thủ đô cũng như một số tỉnh khu vực phía Bắc. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp anh kiếm được nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện tại, số tiền anh Lê Đình Trúc đầu tư vào trang trại trồng nấm đã lên tới trên 5 tỷ đồng.

Trong tương lai, dự định của anh Lê Đình Trúc là tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm, cải tiến kĩ thuật để cho ra đời các loại nấm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng hơn nữa. Ngoài ra, anh cũng đang ấp ủ một dự định lớn, đó là xây dựng khu du lịch sinh thái nông nghiệp dựa trên cơ sở một số thắng cảnh có sẵn ngay tại quê hương Như Thanh. Khó khăn lớn nhất hiện giờ của anh là thiếu nguồn vốn. Lê Đình Trúc hy vọng mình có thể kêu gọi 10 tỷ đồng vốn đầu tư để thực hiện dự án này trong thời gian tới.

Rời quê lên phố, rồi lại bỏ phố về quê; con đường khởi nghiệp của Lê Đình Trúc không phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ dàng. Song, quyết định dấn thân táo bạo cùng thành công bước đầu của anh đã truyền cảm hứng cho không ít bạn trẻ đang có dự định khởi nghiệp ngay trên chính quê hương mình.

Lam Giang
Cùng chuyên mục