Tiêu, cà phê chững giá sau chuỗi giảm sâu
Cà phê tiếp tục giảm nhẹ
Theo số liệu thống kê của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 4/2020 đạt 82.436 tấn (tương đương 1.373.900 bao), đưa xuất khẩu 3 tháng rưỡi đầu năm 2020 lên đạt tổng cộng 599.533 tấn (khoảng 10 triệu bao, loại 60 kg), tăng 7,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, khối lượng cà phê giao xuống cảng của nhà sản xuất hàng đầu vẫn đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường tiêu dùng ưa chuộng loại cà phê nhiều vị đắng.
Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam
Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên phiên hôm nay (27/4) giao dịch quanh mức 28.700 – 29.300 đồng/kg. Mức cao nhất ở Đắk Lắk, thấp nhất tại Lâm Đồng, các tỉnh còn lại ở 29.000 đồng/kg. Tại cảng TPHCM, cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt ở 1.224 USD/tấn (FOB), trừ lùi ở mức +80 USD/tấn. (theo bảng giá từ nguồn Diễn đàn của người làm cà phê).
Giá cà phê đã có khoảng thời gian tăng mạnh, khi các nhà chế biến tăng cường mua nguyên liệu, phòng trường hợp chính sách phong tỏa kinh tế gây trở ngại cho việc giao nhận hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có thể sẽ tác động lâu dài tới tăng trưởng kinh tế, nên xu hướng giá cà phê cũng không thể có ngoại lệ tăng, theo cafeF.
Tiêu ít biến động
Vụ thu hoạch hạt tiêu của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2020 đã đạt trên 50% với sản lượng ước đạt 250.000 tấn. Trong đó lượng tồn kho của năm 2019 chuyển sang khoảng 90.000 tấn, do đó nguồn cung năm 2020 ước đạt khoảng 350.000 tấn.
Theo nguồn tin từ giatieu.com (giá tiêu được cập nhật 15 phút một lần), trên thị trường thế giới, tại sàn Kochi - Ấn Độ hôm nay (27/4/2020) chưa thay đổi. Giá giao ngay chốt tại 32.785 rupee/tạ, giá kỳ hạn tháng 4/2020 giữ nguyên 32.530 rupee/tạ.
Giá tiêu tại các vùng nguyên liệu trọng điểm Tây Nguyên hôm nay (27/4) giữ vững mức giá ở 37.000 – 39.500 đồng/kg. Giá cao nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thấp nhất tại Gia Lai và Đồng Nai; các tỉnh còn lại ở 38.000 – 38.500 đồng/kg, theo bảng giá của nguồn Tin Tây Nguyên.
Giá tiêu trên thị trường thế giới đang phải chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và áp lực dư cung, có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới. Theo dự báo của tập đoàn Nedspice, mặc dù sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước tính sẽ giảm khoảng 12% trong năm nay nhưng lượng tồn kho được dự kiến vẫn cao hơn tổng nhu cầu trên thị trường.
Diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn trên thế giới là Mỹ và châu Âu, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Ngoài ra, nguồn cung bị gián đoạn do các yêu cầu cách ly xã hội và hạn chế thông quan hàng hóa của nhiều nước trên thế giới cũng gây khó khăn cho thị trường tiêu toàn cầu.