Trăn trở của nông dân, doanh nghiệp Việt trước cơ hội từ CPTPP

02/07/2019 16:41 GMT+7
Là một đất nước có quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động dưới hình thức kinh doanh nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp phải nhiều khó khăn thách thức trong việc hội nhập quốc tế.

Tham dự hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” sáng nay do trung Ương Hội Nông dân và Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp cùng Văn phòng Bộ Công Thương tổ chức, nhiều đại diện cho hộ nông dân, doanh nghiệp Việt Nam đã đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi còn băn khoăn về hiệp định CPTPP.

Được ký kết vào đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ toàn xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cơ hội rất lớn cho nông sản Việt xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Tuy nhiên, mặt hàng nông sản Việt vẫn còn gặp phải nhiều thách thức trong việc đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Đặng Thị Dịu - Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú tỉnh Quảng Ninh

Tham dự hội thảo, bà Đặng Thị Dịu - Giám đốc Công ty Nuôi trồng thuỷ sản Nam Phú tỉnh Quảng Ninh cho biết bà đang sở hữu 2 ha nuôi tôm công nghiệp và các hiệp hội nuôi trồng thủy sản ở Móng Cái có khoảng 100 ha nuôi tôm công nghiệp. Diện tích nuôi trồng lớn, tuy nhiên bà Dịu chia sẻ rằng giá tôm năm nay xuống thấp và giá thành không được cao, cụ thể giảm 1/3 so với giá thành mọi năm.

Đứng trước các cơ hội từ hiệp định CPTPP, bà Dịu đã đặt ra hai câu hỏi về việc xuất khẩu hàng hóa. Thứ nhất là việc nuôi trồng thủy sản hiện nay giá rất rẻ, không xuất khẩu được, khi tham gia CPTPP liệu có xuất khẩu ra được nước ngoài không?

Thứ hai, việc tham gia hội nhập áp dụng cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh về khoa học công nghệ và tài nguyên, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng Việt Nam giúp gì cho hàng nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh tiêu thụ nông sản cao hơn?

Bà Lê Thị Thà – Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong

Bà Lê Thị Thà – Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong chia sẻ: “Với mô hình sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã chúng tôi trên dưới 100 lao động sản xuất với mô hình là thuê lại đất nông dân và thuê chính những người nông dân tại địa phương sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm của công ty đã và đang cung cấp cho các siêu thị, các nhà máy,... tại tỉnh Quảng Ninh”.

Hiện tại, hợp tác xã Hoa Phong đang nuôi trồng và sản xuất na song mặt hàng na vẫn chưa được xuất khẩu. Sau khi bán ra thị trường trong nước, na bị ép giá và giá thành không được cao.

Quan tâm đến đầu ra và khâu chế biến bảo quản mặt hàng nông sản, bà Thà mong muốn các cơ quan chính phủ, nhà nước giải đáp về việc “Liệu quả na có nước nào tiêu thụ không hoặc có biện pháp gì sơ chế bảo quản sản phẩm này để tiêu thụ hàng hóa để tạo ra ngành mũi nhọn phát triển bền vững cho người nông dân và cho nông dân yên tâm sản xuất”. Ngoài ra, việc gia nhập CPTPP, chi phí đầu tư cho công nghệ trong đó vấn đề của nông dân ngoài trình độ còn hạn chế lớn từ nguồn vốn. Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ người nông dân trong vấn đề này.

“Doanh nghiệp rất khó khăn về quy trình, chế biến và khó khăn đầu ra, hi vọng các ban ngành giúp đỡ nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung tạo điều kiện chắp mối để thời gian tới xây dựng sản phẩm có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế và để thúc đẩy nền nông nghiệp chúng ta ngày càng phát triển” -  bà Thà chia sẻ thêm.

Được mệnh danh là “vua vịt trời”, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi thừa nhận Hiệp định CPTPP không chỉ có tác động không nhỏ đối với nông nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với người nông dân.

Theo ông Cường, muốn xuất khẩu thì phải nâng cao năng lực chế biến và chế biến sâu trong khi việc liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam còn yếu. Chính phủ cũng như các bộ ngành cần có biện pháp xây dựng mô hình kết nối cũng như hỗ trợ cho các hộ dân doanh nghiệp hợp tác xã được gắn kết với nhau trong thực tiễn sản xuất.

Ngoài ra, ông Cường cũng mong muốn các bộ ban ngành, các cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ dân nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin,  những hướng đi trong thời gian tới cũng như được quyền khai thác đất đai trên mảnh đất của mình.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed nhận định Việt Nam vươn lên từ đói nghèo và hiện xuất khẩu nông sản đứng nhất nhì thế giới. Ông cũng khẳng định nông nghiệp Việt Nam là một trong ba ngành mũi nhọn của nền kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, với trình độ phát triển sản xuất thấp nhất trong các nước tham gia hiệp định CPTPP đã tạo ra không ít thách thức cho chúng ta. Ông Báo cũng chỉ ra 4 yếu tố hạn chế của Việt Nam, đó là: công nghệ sản xuất, hàng rào kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩn, hệ thống chế biến bảo quản và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ hiệp định CPTPP, doanh nghiệp cần có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang các nước.

Bên cạnh buổi hội thảo, ông Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết, qua hội thảo CPTPP "Cơ hội và Thách thức cho nông sản Việt", Trung Ương hội Nông dân sẽ có báo cáo Hội thảo trình lên ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ nông nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, hành động trước cánh cửa CPTPP đang mở rộng, để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế.

Thu Trà
Cùng chuyên mục