Triệu USD mua biệt thự biển, đại gia vỡ trận về quê ở ẩn
Công ty Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng, vừa có văn bản tiếp tục làm rõ các phương án giải quyết sau khi tuyên bố chấm dứt cam kết lợi nhuận. Trong đó, đơn vị này nhấn mạnh việc khách hàng cần đăng ký lựa chọn một trong 3 phương án đã được chủ đầu tư đề xuất trong thời hạn hết ngày 30/12/2019.
Trường hợp nhà đầu tư không chọn bất cứ giải pháp nào mà chủ đầu tư đưa ra, đơn vị này sẽ ủy quyền cho một tổ chức hành nghề luật sư lập kế hoạch làm việc từ 2/1-19/1/2020 để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thanh lý, hủy bỏ hợp đồng mua bán.
Trước đó, Công ty Thành Đô tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn một phần tư thời hạn cam kết ban đầu. Đơn vị này đưa ra 3 nhóm phương án giải quyết yêu cầu khách hàng lựa chọn.
Những thông tin này được xem là “cú sốc” đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, đặc biệt thách thức với các dự án condotel tại đây cũng như các thị trường khác.
Skip in 6Neptune Goldfb.com/NeptuneCookingOilTìm Hiểu ThêmÔng Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group
Khoảng 3 năm về trước, condotel có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành loại hình thống lĩnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cocobay Đà Nẵng là một trong những dự án có mức cam kết lợi nhuận cao hàng đầu thị trường condotel, lên tới 12%/năm.
Vượt ra khỏi Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Condotel nhanh chóng được triển khai tại một loạt tỉnh thành ven biển khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phan Thiết, Vũng Tàu với các siêu dự án quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2018, các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng xảy ra cuộc khủng hoảng về pháp lý, một số dự án được cấp phép nhanh hơn so với quy định của nhà nước. Do đó, sau khi thanh tra, kiểm tra thì việc cấp phép các dự án đã hoãn lại. Một số chủ đầu tư dự án mới đã cẩn thận tìm hiểu kĩ hơn, quá trình cấp phép xây dựng của các cấp quản lý cũng chặt chẽ hơn. Do đó, nguồn cung từ cuối năm 2018 có chững lại.
Thống kê chính thức từ Bộ Xây dựng, tổng hợp từ báo cáo của 22 Sở Xây dựng, cho thấy, riêng trong quý 3/2019 có 10 dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép và triển khai xây dựng với 3.184 căn hộ du lịch và 720 biệt thự du lịch.
“Mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng mới này, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết, đầu tiên phải kể đến yếu tố pháp lý. Đây là sản phẩm bất động sản phức hợp chưa được có khái niệm rõ ràng về tiêu chuẩn, quy phạm về quy hoạch, quyền sở hữu, mua bán chuyển nhượng và quản lý vận hàn,... Trong đó vấn đề quyền sở hữu nổi lên hàng đầu.
Theo ông Chiến, người mua mong muốn được cấp sổ đỏ vĩnh viễn, trong khi Condotel nằm giữa khung của hai luật là Du lịch và Nhà ở. Theo Luật du lịch thì sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chỉ được thuê có thời hạn còn theo Luật nhà ở thì được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.
Bất cập lớn thứ hai là câu chuyện cam kết lãi suất. Theo ông Chiến, thoả thuận giữa người mua và người bán với lợi nhuận cao lên tới 12% là điều khó có thể thực hiện được. “Đây là lãi suất không thực tế, vì vậy dẫn đến tình trạng khất nợ của một số chủ đầu tư yếu kém, trả chậm và cuối cùng là không trả - gây bức xúc cho người mua”, ông Chiến nói.
Đại diện HH BĐS cũng chỉ ra nguyên nhân từ việc không đồng nhất giữa các địa phương về khái niệm Condotel. Đây là vấn đề thực tế đã nảy sinh nhưng pháp luật đang điều tiết chậm, kéo theo đó là nguy cơ phá vỡ quy hoạch và những bất ổn về mặt xã hội.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel.
Sự dịch chuyển trong nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách đang mở ra xu hướng đa dạng hóa trải nghiệm tại nhiều thị trường du lịch. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đang được đặt ra cho các doanh nghiệp địa ốc phát triển sản phẩm lưu trú.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết, thị trường bất động sản du lịch đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án bất động sản du lịch theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All - in - one) của du khách.
Trong đó, có các dự án bất động sản du lịch tích hợp “tất cả trong một” theo mô hình đầu tư ApartHotel tạo ra những điểm đến mới hấp dẫn du khách. ApartHotel kết hợp giữa dịch vụ, tiện ích của khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 5 sao và tiện nghi của một căn hộ cao cấp. Với mô hình này, du khách không chỉ tới các điểm đến để ăn, ngủ, ngắm cảnh mà còn được trải nghiệm những hoạt động giải trí, thể thao mới lạ,...
Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Những sản phẩm phổ biến trên thế giới hiện nay gồm du lịch nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe,...
Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục được các chủ đầu tư hướng tới. Chiến lược năm 2019 của Novaland không phải nhà ở mà là BĐS nghỉ dưỡng và du lịch, tại những nơi có tiềm năng du lịch lớn như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận, Cam Ranh (Khánh Hòa), Đà Lạt...
Sunshine Group vừa thấu tóm dự án Diamond Bay của Hoàn Cầu, với mục tiêu phát triển Sunshine Diamond Bay theo mô hình Intergated Resort - quần thể nghỉ dưỡng phức hợp 5 sao có hơi hướng Venice với kiến trúc Địa Trung Hải.
Địa ốc Phú Long vừa công bố triển khai L'Alyana Senses World tại Phú Quốc theo mô hình du lịch và chăm sóc sức khỏe. Dự án đầu tiên được giới thiệu ra thị trường là Furama Resort & Spa với quy mô 350 phòng resort và 85 pool villa trên diện tích 7,2 ha.
Mặc dù chưa chính thức công bố, song những động thái gần đây cho thấy nữ đại gia đứng đầu ngành sữa đang muốn lấn sân lĩnh vực BĐS với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn trải dài từ Yên Bái, Quảng Ninh đến Kon Tum. Trong số này, quy mô lớn nhất phải kể đến dự án trồng và chế biến dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm tại xã Hiếu, Đăk Tăng, Măng Bút, huyện Kon Plông trên diện tích khoảng 11.580ha.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, đánh giá bất động sản nghỉ dưỡng vùng núi cũng là xu hướng của năm tới. Khí hậu miền Bắc có mùa lạnh, thời gian tắm biển ít hơn miền Nam nhưng cũng có lợi thế khí hậu mát mẻ, nhiều nét văn hoá đặc sắc như Sapa, Hoà Bình, Tam Đảo. Cùng với đó, khoảng cách từ Hà Nội tới các vùng này được cải thiện, thời gian di chuyển được rút ngắn.
Tuy nhiên, ông Thức cũng cảnh báo, tại các vùng này, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần có tính toán cẩn thận. Bởi khách du lịch tìm tới đây để tránh không khí ồn ào của Hà Nội, do đó nếu phát triển nhà cao tầng, bán condotel cũng không thích hợp.
Theo các chuyên gia, để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, người mua cần chú ý nhiều yếu tố khác quan trọng hơn chứ không nên tập trung vào cam kết lợi nhuận. Nhà đầu tư cần tự đặt ra hàng loạt câu hỏi như chủ đầu tư dự án là ai, có uy tín trên thị trường hay không, có kinh nghiệm chưa, đơn vị quản lý vận hành là ai và dự án có sức hấp dẫn đối với khách du lịch hay không? Một điểm nữa các nhà đầu tư bắt buộc phải lưu ý là tính pháp lý của dự án.