Trồng thanh long vùng ngập mặn
Hy vọng từ 1 cây còn sống
“Nhiều người cho tôi là điên khùng khi trồng thanh long trên đất ngập mặn. Nhưng chính sự táo bạo ấy đã đem lại thành công khác biệt” - Mai Trúc Lâm chia sẻ.
Lâm kể, ban đầu nhiều người dân ở ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) không tin anh làm được, bởi vùng này chuyên nuôi tôm công nghiệp, chứ nước mặn rất khó trồng cây ăn trái, với thanh long lại càng không. Khi chứng kiến cây thanh long trĩu quả cùng những hình ảnh về “vườn thanh long trong rừng ngập mặn”, mọi người mới hoàn toàn bị thuyết phục.
Gia đình Lâm thuộc diện khó khăn, khiến cậu luôn có khát khao “làm cái gì đấy” để thoát nghèo. Trong nhiều năm liền, Lâm cùng bố tìm cách chuyển đổi mô hình vật nuôi, cây trồng với hơn 40 loại cây, con giống. Nhưng may mắn không mỉm cười khi gà, vịt, ngỗng, thỏ, nhím, rắn, bồ câu, dừa, xoài, ổi, bưởi... thi nhau chết. Hy vọng lóe lên khi chỉ duy nhất cây thanh long còn sống và ra đúng một trái. Nhưng với Lâm, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để anh có thêm niềm tin mãnh liệt vào cây thanh long. Lâm nhờ cha đem đi nhân giống và trồng thử.
Thấy hai bố con Lâm dồn hết công sức vào cây thanh long, bà con xung quanh tưởng họ bị...rồ. Bởi loại cây này trồng ở vùng nước mặn không thể sống nổi. Tình cờ, chàng trai trẻ nhận ra cây thanh long có khả năng sống theo hướng ký sinh, không cần có đất. Vậy là Lâm bắt đầu đưa thanh long xuống nước mặn.
Không có tiền mua trụ đá, Lâm cho thanh long leo lên các loài cây như dừa, đước, bần, mắm... Kết quả, chỉ có cây mắm là chịu nổi thanh long. Tuy sống và phát triển trong môi trường rừng ngập mặn, nhưng những trái thanh long lại có hương vị đặc biệt.
“Trái thanh long giống bản địa thường có vị chua, chát và khi chưa chín kỹ thường khó ăn. Nhưng khi thay đổi điều kiện sống chúng lại có hương vị hoàn toàn khác. Thanh long trồng cùng cây mắm có vỏ mỏng, siêu mỏng màu tím sen, ruột trắng ít hạt, ngọt thanh và có hương vị nhãn đặc biệt” - Lâm cho biết.
Bảo vệ môi trường, hệ sinh thái
Sau hai năm thất bại, đến mùa thứ ba thanh long mới bắt đầu cho trái. Vụ đầu thu được gần 20kg mỗi gốc. Những năm sau đó, lượng trái cứ thế tăng dần lên đến khoảng 60kg/ gốc. Điều đặc biệt, điều kiện canh tác thanh long của Lâm hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán ra gấp 3 lần giá thanh long bình thường. Cho đến nay, gia đình Lâm đã bán hơn 10 tấn thanh long ra thị trường.
Từ thử nghiệm, Lâm biến việc trồng thanh long trên đất ngập mặn thành dự án khởi nghiệp. Theo Lâm, lợi ích của mô hình sản xuất này có thể nhìn thấy ngay và phát triển bền vững, do các loài cây tương trợ lẫn nhau, không cần thay đổi môi trường sống. Ngoài thanh long, mô hình này còn có thể thu hoạch được nhiều thứ như phân, củi, chất đốt từ cây mắm; khai thác thủy hải sản ở dưới và nuôi ong để tận dụng nguồn phấn hoa từ hoa thanh long cùng với hoa mắm. Ngoài ra, dự án này còn góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái như chống sạt lở, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, hải sản non…
Trúc Lâm còn nuôi ước mơ phát triển du lịch từ dự án này. Theo đó, mô hình hướng đến du khách muốn trải nghiệm du lịch sinh thái độc lạ, sẵn sàng chi tiền mua các sản phẩm an toàn, chất lượng để thưởng thức và làm quà tặng. Du khách sẽ được thưởng thức mật ong từ hoa mắm và hoa thanh long, ăn thủy hải sản dưới tán rừng ngập mặn, mua đồ lưu niệm làm từ gỗ mắm như đũa, muỗng...
“Giải pháp của chúng tôi tập trung vào việc giúp những hộ dân sống tại những vùng ngập mặn có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Từ đó họ có thể giữ được rừng, hạn chế đánh bắt thủy hải sản non ven bờ, từ đó có những tác động tích cực lên môi trường về sau một cách bền vững” - Trúc Lâm chia sẻ.
Dự án “Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn” của Mai Trúc Lâm đã nhận được nhiều giải thưởng khởi nghiệp, vào Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp của T.Ư Đoàn năm 2020; nhận Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học - Euréka 2019, Ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp trong tầm tay 2019 của Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, Khởi nghiệp Quốc gia 2019 của VCCI, Giải thưởng Én Xanh 2019...