Trung Quốc đẩy mạnh xuất hàng sang Châu Âu bằng đường sắt khi vận tải hàng không gián đoạn
Một chuyến tàu chở lượng hàng hóa thương mại trị giá 33 triệu NDT (4,82 triệu USD) bao gồm quần áo, giày dép, đồ gia dụng đã khởi hành từ Trùng Khánh, Trung Quốc đến Budapest, Hungary vào tuần trước. Tuyến đường vận tải này gắn liền với tham vọng của chính phủ Bắc Kinh về việc đẩy nhanh các phương thức xuất khẩu phi truyền thống, tăng cường sức mạnh thương mại quốc gia.
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) bằng cách giảm bớt thủ tục giấy tờ, điều chỉnh hợp lý hóa chuỗi cung ứng. Chính quyền ông Tập Cận Bình cũng đưa Trùng Khánh và 11 thành phố sản xuất lớn khác của Trung Quốc vào danh sách các trung tâm thí điểm được hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới qua kênh thương mại điện tử. Các quan chức hải quan Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào con đường xuất khẩu hàng nội địa trong các giao dịch B2B thông qua đường sắt do tính linh hoạt, thuận tiện.
Các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc sang Châu Âu được dự báo sẽ trở thành một hướng đi mới cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. “Thông qua con đường này, các công ty thương mại có thể gia nhập thị trường toàn cầu hiệu quả, dễ dàng hơn”.
Thống kê mới nhất của Cục Đường sắt Trung Quốc cho hay số chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc sang Châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.247 chuyến trong tháng 8, tức tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp lưu lượng tàu đạt mức tăng trưởng hai con số trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế đường vận tải hàng không và hàng hải, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển lên mức cao.
Chỉ tính riêng tuyến tàu từ Trùng Khánh đến Budapest, trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7/2020, trung bình mỗi tháng có khoảng 200 chuyến tàu khởi hành. Cơ quan hải quan Trùng Khánh cũng đang có kế hoạch tăng cường số lượng các chuyến hàng thương mại điện tử bằng cách thu hút thêm nhiều thương nhân. Nhất là khi kim ngạch thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 tăng tới 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một báo cáo được thực hiện đầu năm nay bởi Alibaba Group, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc chỉ ra rằng tổng giá trị các giao dịch B2B tại Trung Quốc có thể tăng gấp 3 lần từ mức 700 tỷ NDT năm 2019 lên 2,4 nghìn tỷ NDT vào năm 2024.
Dòng chảy thương mại điện tử tăng trưởng theo cả hai chiều đến và đi Trung Quốc, kéo theo sự phát triển của các tuyến tàu tốc hành khác đổ sang Châu Âu. Ví dụ, một tuyến tàu chở hàng nhỏ hơn dùng để vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử cũng bắt đầu vận hành từ năm ngoái, nối tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với Liege (Bỉ). Gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com cũng đang tổ chức vận chuyển hàng hóa đến Đức bằng đường sắt.
Hồi tuần trước, nhà điều hành đường sắt hàng đầu Trung Quốc là China Railway cho biết đang nỗ lực đẩy nhanh sự phát triển của mạng lưới vận chuyển hàng hóa tốc độ cao để hỗ trợ ngành thương mại điện tử quốc gia. Theo đó, các chuyến tàu chở hàng giữa Trung Quốc và Châu Âu dự kiến còn tăng thêm.