Trung Quốc ngăn đầu cơ bất động sản khi giá nhà tăng quá nóng

14/08/2021 11:05 GMT+7
Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quy định trong lĩnh vực mua bán chung cư nhằm ngăn chặn các giao dịch đầu cơ hoặc bất hợp pháp trong bối cảnh giá bất động sản tăng vọt, làm tăng nguy cơ lạm phát vượt mức kiểm soát trong nền kinh tế.

Một trong số các biện pháp mà các nhà chức trách Bắc Kinh đang thúc đẩy là đưa ra loạt quy định mới về điều kiện mua bất động sản cũng như can thiệp vào thị trường bất động sản nhà ở đã qua sử dụng tại các thành phố lớn để ngăn chặn lạm phát giá cả.

Trước đó, giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã tăng cao chót vót khi chính sách tiền tệ nới lỏng mà Ngân hàng Trung ương PBoC áp dụng trong tình hình đại dịch đã bơm thanh khoản tràn ngập nền kinh tế. Mặc dù chính phủ đã áp dụng giới hạn đối với các khoản vay thế chấp bằng tài sản, giá bất động sản vẫn tăng cao không ngừng.

Điều này đặc biệt rõ ràng trên thị trường căn hộ đã qua sử dụng, nơi giá cả do thị trường quyết định. Giá nhà ở, chung cư cũ tại các thành phố Cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đã tăng trung bình 10,5% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Vào năm 2019 trước khi đại dịch bùng phát, mức tăng giá hàng năm luôn duy trì dưới 2%.

Trung Quốc ngăn đầu cơ bất động sản khi giá nhà tăng quá nóng - Ảnh 1.

Giá nhà ở, chung cư cũ tại các thành phố Cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đã tăng trung bình 10,5% trong tháng 6 qua (Ânh: Reuters)

Ngoài ra, cũng xuất hiện các động thái đầu cơ bất động sản ở một số thành phố cấp tỉnh hoặc thành phố nhỏ hơn. Vào ngày 29/7 qua, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo một số thành phố để yêu cầu siết chặt các biện pháp chống giao dịch đầu cơ do giá nhà đã tăng vọt trên 10%.

Trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng trước, các nhà hoạch định chính sách đã đưa mục tiêu ổn định thị trường bất động sản là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách quản lý kinh tế nửa cuối năm 2021. Động thái này có nghĩa chính quyền sẽ không ngần ngại can thiệp trực tiếp vào giá nhà ở để bình ổn thị trường bất động sản đang nóng lên suốt thời gian qua.

Chính quyền thành phố Đông Quan hôm 2/8 đã công bố giá tham chiếu cho các căn hộ đã qua sử dụng, qua đó yêu cầu các công ty môi giới bất động sản không chào giá vượt quá nhiều mức giá tham chiếu này. Ít nhất bảy thành phố, bao gồm cả Thâm Quyến, cũng sẽ áp dụng các biện pháp tương tự.

Trong khi đó tại Vũ Hán, các nhà lãnh đạo thành phố có kế hoạch buộc người có nhu cầu mua nhà phải đăng ký với chính quyền và chỉ được cấp phép mua nhà trong 60 ngày nếu đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết. Nếu không đủ điều kiện để thực hiện giao dịch, người mua sẽ không thể mua các căn hộ khác.

Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang trấn áp tình trạng xây dựng sai lệch so với bản thiết kế ban đầu cũng như việc các công ty môi giới bất động sản thu tiền hoa hồng rất cao.

Nguyên nhân thúc đẩy thị trường bất động sản Trung Quốc nóng lên như hiện này một phần do Bắc Kinh âm thầm nới lỏng các quy định giao dịch bất động sản vào đầu năm 2020, theo nhận định của tờ Nikkei Asian Review. Động thái này nhằm khuyến khích đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh sau thời gian trì trệ vì các biện pháp phong tỏa, hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt. Một số chuyên gia chỉ ra rằng lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp liên quan, chiếm từ 20% đến 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Do đó đà phục hồi kinh tế Trung Quốc một phần phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường này. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính phủ Bắc Kinh có xu hướng nới lỏng kiểm soát lĩnh vực bất động sản và ngược lại.

Năm 2019, Bộ Chính trị Trung Quốc đã quyết định không sử dụng thị trường bất động sản như một phương tiện ngắn hạn để kích thích nền kinh tế, tuy nhiên quyết định này đã bị đảo ngược chỉ 6 tháng sau đó do hậu quả kinh tế quá lớn từ đại dịch Covid-19.


NTTD
Cùng chuyên mục