Trung Quốc tung kế hoạch China Standards 2035: tham vọng dẫn đường công nghệ toàn cầu

22/06/2020 18:28 GMT+7
Một cơ quan công nghệ mới đây nhận định sáng kiến China Standards 2035, một phần tham vọng thống trị công nghệ toàn cầu của Trung Quốc có vẻ là quá tầm với với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc tung kế hoạch China Standards 2035: tham vọng dẫn đường công nghệ toàn cầu - Ảnh 1.

Trung Quốc tung kế hoạch China Standards 2035, tham vọng định hình công nghệ tương lai

China Standards 2035 được chính quyền ông Tập Cận Bình công bố năm 2020, phác thảo kế hoạch chi tiết cho tham vọng thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu của Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo.

Các tiêu chuẩn này giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển công nghệ mạng di động mà chúng ta sử dụng phổ biến hiện nay như 4G (sắp tới là thế hệ mạng 5G) hay Wi-Fi. Việc tiên phong trong việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ từ mạng viễn thông di động tới trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Bắc Kinh củng cố sức mạnh mềm trên trường quốc tế.

China Standards 2035 được coi là bước tiếp theo của sáng kiến Made in China 2025, trong đó chính phủ Bắc Kinh tập trung vào phát triển 10 ngành công nghiệp công nghệ cao mũi nhọn theo hướng tự lực tự cường, giảm bớt sự phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới.

Thông thường, việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ cao chủ yếu bị chi phối bởi các chuyên gia và doanh nghiệp từ Mỹ hay Châu Âu. Nhưng với kế hoạch China Standards 2035, Bắc Kinh đang thể hiện rõ hơn tham vọng thúc đẩy các nguồn lực trong nước đóng vai trò quan trọng hơn vào việc chi phối các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu trong thế hệ tiếp theo. 

Emily de La Bruyere, đồng sáng lập công ty tư vấn Horizon Advisory nhận định với tờ CNBC rằng: “Trung Quốc tham vọng thiết lập các tiêu chuẩn cho thế giới trong tương lai, đặc biệt là tiêu chuẩn công nghệ trong bối cảnh chúng ta bước vào kỷ nguyên công nghệ mới. Và China Standards 2035 rõ ràng là kế hoạch chi tiết để thực hiện chiến lược này”. 

“Nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của mạng lưới hệ thống công nghệ mới, nơi mà cương vị thống trị công nghệ vẫn chưa được phân định. Điều này mang lại một cơ hội cho Trung Quốc” - bà Emily nói thêm. 

Trong những năm gần đây, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng vào việc thiết lập tiêu chuẩn công nghệ mới (cụ thể là công nghệ 5G), bên cạnh những doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ và Châu Âu như Qualcomm hay Ericssons.

Trung Quốc tung kế hoạch China Standards 2035: tham vọng dẫn đường công nghệ toàn cầu - Ảnh 3.

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei được đánh giá là nhà tiên phong, đóng vai trò lớn trong thiết lập tiêu chuẩn công nghệ 5G

Tham vọng quá tầm tay?

Naomi Wilson, giám đốc chính sách cao cấp của Châu Á tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI) nhận định: “Những nỗ lực của Trung Quốc (trong việc trở thành thế lực thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu) sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Và kế hoạch lớn này có thể không như những gì đang được cường điệu hóa”. 

Trung Quốc đã đưa ra nhiều kế hoạch chiến lược để phát triển công nghệ trong những năm vừa qua, và China Standards 2035 là kế hoạch mới nhất. Đối tượng kế hoạch nhắm vào việc phát triển trình độ các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước.

“Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng (trong ngành công nghệ toàn cầu) khi các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển”, nhưng “nó không phải là một cơ hội để Trung Quốc sắp xếp lại các quy tắc công nghệ thế hệ mới trong tương lai”. 

“Các tiêu chuẩn như vậy được thiết lập bởi những cơ quan công nghiệp. Thông thường, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong một lĩnh vực sẽ kết hợp với nhau để thiết lập hệ thống tiêu chuẩn. Họ sẽ đưa ra đề xuất và cải tiến những đề xuất đó để hình thành tiêu chuẩn cuối cùng của công nghiệp cụ thể đó sau nhiều năm”. Và Naomi Wilson chỉ ra rằng quá trình chặt chẽ như vậy sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khi tham gia thiết lập tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.

“Những diễn đàn thảo luận dựa trên quy tắc, sự đồng thuận và nền tảng công nghiệp và cả tập quán lâu năm để ngăn chặn những ảnh hưởng không đáng có” - cô Naomi Wilson nhấn mạnh. Do đó, sự tham gia ngày càng lớn của Trung Quốc trong ngành công nghệ toàn cầu “không có sức ảnh hưởng quá lớn” để đem lại lợi thế cho nước này, cô Naomi nói thêm.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục