Tung chiêu “kéo” khách, ngân hàng online “phất” nhờ dịch covid-19

17/02/2020 13:51 GMT+7
Theo đại diện nhiều ngân hàng, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 do virus corona, lượng khách giao dịch điện tử đã tăng đáng kể cả số lượng lẫn giá trị giao dịch. Thậm chí, tỷ lệ tăng giao dịch online tăng tới 40% so với thông thường.

Theo phân tích mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếu khí và 32.000 vi khuẩn gram âm. Các chuyên gia ý tế nhận định, với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số như hiện nay thì tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.

Với virus corona, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tiền mặt sẽ là một ổ bệnh nếu chẳng may dính phải một con virus corona từ người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đặt trọng bối cảnh hiện nay, những lo ngại về sự lây lan của virus corona đã phần nào thay đổi thói quen giao dịch tiền mặt của người dân.

Thay đổi thói quen "tiền mặt"

Tung chiêu “kéo” khách, ngân hàng onlie “phất” vì corona - Ảnh 1.

Sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để phòng, chống virus corona

Trên thực tế, nhiều người đã chọn mua hàng online, hay các dịch vụ giao hàng tận nơi, để hạn chế việc đi và tiếp xúc người khác để phòng tránh virus corona. Một trong những phương thức thanh toán được khách hàng lựa chọn đó chính là thanh toán trực truyến, vừa đỡ tốn thời gian tới ATM rút tiền vừa hạn chế được khả năng lây lan của dịch bệnh, trong đó có virus corona.

Chị Phương Anh (sinh viên đại học, TP.HCM) là một ví dụ. Theo chia sẻ của chị Phương Anh, vì là sinh viên đại học sống xa nhà, vừa học vừa làm, nên chị thường ăn uống ở các hàng quán bên ngoài cho tiện lợi. Thế nhưng, từ lúc dịch covid-19 bùng phát, được khuyến cáo hạn chế đi đến nơi đông người, chị Phương Anh đã quyết định đặt đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến.

"Tất cả đều dùng điện thoại từ việc đặt hàng, thanh toán nên tôi ít sử dụng đến tiền mặt. Ngoài ra, tiền thuê nhà trọ, tôi cũng thực hiện chuyển khoản cho chủ nhà qua các ứng dụng ngân hàng điện tử để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm virus corona từ tiền mặt và người khác", chị Phương cho hay.

Không chỉ có các hình thức mua sắm trực tuyến, các dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, gửi tiền online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, vé tàu/xe/tour du lịch,…cũng được dịp "phất" trong bối cảnh dịch corona bùng phát như hiện nay.

Anh Ngô Văn Túy (Hà Nội) thừa nhận, từ khi có dịch covid-19, các giao dịch ngân hàng đều thực hiện online. Mới cuối tuần trước, Vietinbank tăng lãi suất tiền gửi online để khuyến khích khách hàng, tôi đã thực hiện mở ngay một tài khoản tiết kiệm online. Vừa tận dụng được chương trình khuyến mại lại vừa yên tâm, hạn chế lây nhiễm virus corona", anh Túy nói.

Trường hợp như anh Túy không phải cá biệt, bà Bùi Thị Suốt (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, gần như tháng nào bà Suốt cũng phải qua ngân hàng gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, bà Suốt chỉ ngồi nhà và chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm đã được mở tại BIDV mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.

Tung chiêu "kéo" khách, ngân hàng onlie "phất" nhờ virus corona

Để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử hạn chế rủi ro lây lan virus corona, ngoài việc khuyến cáo khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng online, không ít ngân hàng tung ra nhiều "chiêu" khuyến mại hấp dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ.

Tung chiêu “kéo” khách, ngân hàng onlie “phất” vì corona - Ảnh 3.

Một số ngân hàng lớn cộng thêm lãi suất huy động VND, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

Đơn cử như tại BIDV, ngân hàng này có chính sách tặng 100% phí giao dịch trên BIDV Online, BIDV SmartBanking cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ.

Ngoài ra, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV Online, BIDV SmartBanking sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Chương trình áp dụng từ 14/02 đến 30/04/2020 với ngân sách hoàn phí giao dịch lên đến 2,46 tỷ đồng.

Đặc biệt, BIDV vẫn tiếp tục chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay phí duy trì nào đối với dịch vụ BIDV Online và BIDV SmartBanking.

Được biết, BIDV hiện có trên 11 triệu khách hàng cá nhân nên việc khuyến khích giao dịch ngân hàng online sẽ góp phần tích cực trong hoạt động phòng chống và góp phần đẩy lùi dịch corona. Với những sản phẩm phù hợp, kịp thời, Ngân hàng này được The Asian Banker bình chọn là Ngân hàng Bán lẻ Tốt nhất Việt Nam 5 năm liên tiếp (2015-2019); VNBA và IDG bình chọn là Ngân hàng Bán lẻ Tiêu biểu 4 năm liên tiếp (2016 -2019) và Ngân hàng Điện tử tiêu biểu năm 2019 (lần thứ 3).

Để khách hàng trải nghiệm giao dịch online. SeABank là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng chính sách miễn 100% các loại phí trên Internet banking (www.seanet.vn) và ứng dụng SeAMobile, bao gồm phí chuyển tiền trên toàn quốc và phí sử dụng (thường niên).

Ngân hàng này còn cho ra mắt ứng dụng SeAMobile mới với tính năng chăm sức khỏe tài chính và nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng như: Chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản (khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền cho người hưởng thông qua số điện thoại hoặc mã QR), thanh toán bằng mã QR, mua vé máy bay, vé xem phim, đặt phòng khách sạn, thanh toán các loại hóa đơn, nạp tiền nhiều loại dịch vụ, cá thể hóa giao dịch nhanh…

Hay như VietinBank, khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên kênh VietinBank iPay, ứng dụng iPay mobile App hoặc ATM có kì hạn từ 3 tháng trở lên được cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm (mức cộng thêm áp dụng tùy thời điểm và từng kì hạn khác nhau) so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy.

ABBank cũng đang có những chương trình khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử online banking, mobile banking…; dịch vụ nộp thuế điện tử, nộp thuế hải quan điện tử 24/7, dịch vụ giao dịch qua fax…; đồng thời giảm thiểu các giao dịch trực tiếp trong thời gian này nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh

Theo đại diện nhiều ngân hàng, kể từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra, lượng khách giao dịch điện tử đã tăng đáng kể. "Từ ngày 30/1 - 1/2, có 1.155 giao dịch online banking, 14.363 giao dịch ABBank mobile. Từ ngày 2/2 - 6/2 có 1.098 giao dịch online banking, 15.443 giao dịch ABBank mobile. Số lượng giao dịch online banking giảm 5% nhưng doanh số giao dịch lại tăng 80%, tức số lần giao dịch tuy ít nhưng giá trị mỗi lần giao dịch lại nhiều hơn. Riêng số lượng giao dịch ABBank mobile tăng 7,5% và doanh số giao dịch tăng 28%. Nhìn chung, lượng khách giao dịch điện tử trong thời gian có dịch tăng về số lượng lẫn giá trị giao dịch", đại diện ABBank thông tin.

Hay như tại Seabank, theo thống kê của nhà băng này, tỷ lệ tăng giao dịch online cũng tăng tới 40% so với thông thường. Trong đó, các giao dịch nhiều nhất xếp theo thứ tự lần lượt là chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống; chuyển tiền trong hệ thống; Giao dịch nạp tiền Topup và tiết kiệm online.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây lo ngại đến sức khỏe cho khách hàng thì giao dịch tài chính online trở thành phương tiện tối ưu, được các ngân hàng khuyến khích.

Thậm chí còn được ví như "một mũi tên trúng nhiều đích". Phương thức giao dịch này vừa mang lại sự nhanh chóng, tiện lợi cho khách hàng; vừa giúp khách hàng tránh được các nguy cơ nhiễm Covid-19 vì không cần di chuyển đến chi nhánh/quầy giao dịch vẫn có thể thực hiện được các giao dịch tài chính và góp phần giải bài toán thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo mục tiêu đã được Chính phủ đặt ra.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục