UBCK: Kỳ vọng câu chuyện T+0 được giải quyết trong 1 - 2 năm tới
Phát biểu tại “Hội nghị phổ biến Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và đóng góp ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết đáng lẽ dự thảo được phổ biến trong quý I nhưng bị chậm lại do dịch Covid-19. Trong quá trình 4 năm từ lúc xây dựng chính sách đến soạn thảo nghị định, Ủy ban đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Hội thảo lần này để báo cáo kết quả cho các đơn vị thị trường và tiếp tục nhận ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn.
Trong năm nay, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và UBCK xây dựng 5 nghị định và 11 thông tư. 5 nghị định gồm nghị định chung, phái sinh, quản trị công ty, trái phiếu và thanh tra giám sát. Các văn bản trên được kỳ vọng hoàn thiện để hướng dẫn Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021.
Hội thảo sáng nay phổ biến nghị định chung - là nghị định quan trọng nhất. Ông Dũng kỳ vọng nghị định hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp niêm yết không bị chồng chéo, vướng mắc trong áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong huy động vốn, xây dựng thị trường công khai minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư.
Lãnh đạo UBCK giải đáp ý kiến đóng góp. Nguồn: M.H
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 bỏ quy định cho phép doanh nghiệp tự quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Có ý kiến rằng trong trường hợp doanh nghiệp huy động vốn hoặc trái phiếu có cam kết phát hành thêm, chuyển nhượng thêm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu nhưng không tự giới hạn room nước ngoài thì đến thời điểm thực hiện không đủ room sẽ gây ra nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vì vi phạm hợp đồng.
Đại diện UBCK cho biết các nhà đầu tư nước ngoài phản hồi nếu cho doanh nghiệp tự quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ tạo sự không minh bạch. Đồng thời, quy định từ luật vốn đã rắc rối lại thêm quy định từ điều lệ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới cũng không có quy định cho phép doanh nghiệp tự xây dựng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Tại hội thảo, nhiều thành viên thị trường chia sẻ việc yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài trước khi mua cổ phiếu trên sàn phải chuẩn bị nguồn tiền sẵn (prefunding) bằng VND trong tài khoản sẽ làm giảm sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đa phần các giao dịch có giá cao hơn trên sàn, do vậy vẫn có rủi ro giao dịch không thành công. Trong trường hợp này, việc đổi sang VND khiến nhà đầu tư chịu rủi ro về tỷ giá hay mức phí ngân hàng khá lớn.
Phản hồi vấn đề này, đại diện UBCK cho biết thực tế xảy ra trường hợp hủy giao dịch khi đến ngày thanh toán do nhà đầu tư không có đủ tiền thực hiện trong khi cơ chế khắc phục của hệ thống chưa hoàn thiện. Do vậy, quy định hiện nay vẫn phải đảm bảo 100%. Khi hệ thống giao dịch mới do nhà thầu Hàn Quốc triển khai trong 1 hoặc 2 năm tới thì vấn đề này sẽ được giải quyết.
Trong dự thảo cũng xuất hiện một tổ chức là Đối tác bù trừ trung tâm thực thuộc Tổng công ty Lưu ký Việt Nam. Cùng với hệ thống giao dịch mới, trách nhiệm đảm bảo thanh toán cuối cùng được chuyển từ nhà đầu tư sang đối tác bù trừ trung tâm và công ty chứng khoán, rủi ro thanh toán được giảm thiểu tối đa. Khi hệ thống giao dịch mới được triển khai thì tất cả nội dung liên quan đến prefunding trên thị trường thứ cấp, kể cả giao dịch trong ngày (T+0) hay giao dịch chứng khoán chờ về đều được giải quyết.
Một vấn đề khác kỳ vọng giải quyết bài toán tỷ lệ sở hữu nước ngoài là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) không được nhắc đến trong Luật chứng khoán 2019. Tuy nhiên, đại diện UBCK cho rằng không quá kỳ vọng vào chứng chỉ lưu ký (DR) hay NVDR bởi hầu hết hiệp định Việt Nam ký với các bên và một số quy định đều tính tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên tổng vốn điều lệ nên cổ phiếu có hay không quyền biểu quyết đều được tính. Giải pháp là có tổ chức kinh tế Việt Nam ví như các ngân hàng nội đứng tên phát hành DR nhưng hiện chưa ngân hàng đủ kinh nghiệm và khả năng thực hiện.
Đồng thời, lãnh đạo UBCK cho biết trong Nghị định 58 cũng đã có quy định 2 loại DR dựa trên cổ phiếu đã hưu hành và dựa trên cổ phiếu phát hành mới. Tuy nhiên, những quy định trong Nghị định 58 không đủ cơ sở để phát hành. Trong Dự thảo Nghị định đề cập tại hội thảo, Ủy ban tạm thời sử dụng những quy định liên quan DR trong Nghị định 58 và trong thời gian tới sẽ nghiên cứu sâu hơn.