Vạch trần 7 thủ đoạn rửa tiền: Xướng tên "bà trùm" đường dây tuồn 30.000 tỷ ra nước ngoài

24/10/2022 20:34 GMT+7
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) chiều ngày 24/10, Đại biểu Quốc hội chỉ ra 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay. Một số ý kiến đề nghị bổ sung các đối tượng báo cáo của Luật như nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT).

Bổ sung Viettel, Mobifone, VNPT,… vào các đối tượng báo cáo của luật

Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, từ khi Luật PCRT có hiệu lực thi hành đến nay lực lượng tài chính về chống rửa tiền đã 11 lần sửa đổi các khuyến nghị.

Đến nay, Việt Nam mới tuân thủ hoàn toàn được 13 phần, 40 khuyến nghị còn 27/40 khuyến nghị bị xếp hạng là tuân thủ một phần hoặc chưa tuân thủ.

Đại biểu nhấn mạnh, cùng với quá trình phát triển kinh tế -xã hội, phát triển của nền tảng công nghệ,… việc sửa đổi luật hiện hành là cần thiết để khắc phục tồn tại, cũng như để bao quát được những hành vi rửa tiền mới phát sinh và phù hợp với cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo của luật như: Công ty viễn thông, cung cấp dịch vụ Mobile Money, dịch vụ chuyển tiền bưu chính,…

Vạch trần 7 thủ đoạn rửa tiền: Xướng tên "bà trùm" đường dây tuồn 30.000 tỷ ra nước ngoài - Ảnh 1.

Phiên họp tổ chiều 24/10 về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, kéo dài thời gian để đối tượng báo cáo, vấn đề báo cáo bằng văn bản và thời gian trong khoảng từ 3 - 5 ngày làm việc.

Đồng thời, cần quy định cụ thể tại luật trường hợp nào được áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch cũng như chủ thể nào có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch mà không quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành;…

Quan tâm tới dự thảo luật, đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tiền số, tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện phổ biến trong thời gian qua. Tiền số, tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền số, tài sản số là một kênh để tội phạm có thể lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tiền số, tài sản số để ngăn chặn rủi ro.

Bên cạnh đó, cũng cần phải mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản số để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động này.

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình lưu ý cần làm rõ nội dung tại khoản 4, Điều 3 về giải thích từ ngữ, về phân loại rủi ro;..

Liên quan đến các báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 31, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, quy định tại dự luật còn chung chung, khó áp dụng. Đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện để quy định sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi, phát huy hiệu quả trên thực tế.

7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến

Đề cập Điều 3 giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị rà soát chỉnh sửa một số khái niệm để đảm bảo rõ ràng, thống nhất như khái niệm "tài sản do phạm tội mà có", hay "giao dịch có giá trị lớn".

Đại biểu băn khoăn ở mức độ nào gọi là có giá trị lớn, đề nghị thảo luận kỹ, phải quy định mang tính định lượng, còn chỉ quy định mang tính định tính thì rất khó cho việc áp dụng quy định pháp luật.

Vạch trần 7 thủ đoạn rửa tiền: Xướng tên "bà trùm" đường dây tuồn 30.000 tỷ ra nước ngoài - Ảnh 3.

đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh đến 7 thủ đoạn/hình thức phổ biến rửa tiền hiện nay.

Thứ nhất, thành lập công ty vỏ bọc mua bán khống hàng hoá. Thực tế, theo ông Đức, cơ quan điều tra đã làm rõ rất nhiều các công ty vỏ bọc để rửa tiền. Mới nhất là vụ Nguyễn Thị Nguyệt cùng đồng phạm đã câu kết với nhân viên 3 ngân hàng để chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, thông qua việc thành lập tới 8 công ty để xuất khẩu hàng hoá.

"Luật Phòng chống rửa tiền hiện nay liệu đã quy định hành lang pháp lý kiểm soát được việc thành lập các công ty vỏ bọc hay không, theo tôi là chưa đủ", ông Đức nêu.

Thứ 2, rút tiền "bẩn" qua các trò chơi trực tuyến. Bộ Công an đã xử lý nhiều vụ như Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương.

Thứ 3, núp bóng, gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch. Kẽ hở là các đối tượng lợi dụng chuyển tiền cho người thân ra nước ngoài qua các nền tảng giao dịch điện tử, rất khó kiểm soát.

Ông Đức cũng dẫn chứng trường hợp một đối tượng tại Q.7 (TP.HCM) đi du lịch sang Bồ Đào Nhà, thông qua luật sư mở tài khoản ngân hàng tại đây để làm từ thiện.

"Chỉ trong 24 giờ, gia đình người này đã chuyển sang 200.000 Euro. Do không bị giới hạn số tiền chuyển, nên trường hợp các đối tượng lợi dụng khe hở này thì rõ ràng hành lang của luật chưa kiểm soát được, cần tính toán lại", ông Đức nói.

Thứ 4 là chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế.

Thứ 5 là thủ đoạn nhờ người thân, mua chuyển nhượng, tặng bất động sản.

Thứ 6 là thủ đoạn mua cổ phiếu, trái phiếu.

Thứ 7 là tài sản ảo, tiền ảo. Gần đây rộ lên như Bitcoin, tương tự như thủ đoạn sử dụng trò chơi trực tuyến, các đối tượng dùng tiền "bẩn" mua tiền ảo, sau đó bán rút ra tiền thật.

Đại biểu cho rằng, nếu không tính toán kỹ hành lang pháp lý chặt chẽ thì sẽ rất khó. Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa lại điểm b khoản 1 Điều 37 để đáp ứng yêu cầu phòng chống rửa tiền.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Lê Minh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều cách để diễn đạt "giao dịch đáng ngờ", chúng ta có thể sử dụng là "giao dịch đáng lưu ý" hoặc "giao dịch đáng quan tâm".

Cho rằng Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Minh Trí đề nghị tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chức năng, tính toán sao cho chặt chẽ, đảm bảo không chồng lấn, các chế tài xử phạt hành chính và hình sự cần được làm rõ ranh giới giữa hai chế tài này.

Có ý kiến đại biểu đề nghị có rà soát để các ý kiến đảm bảo quy định chặt chẽ, các nội dung đảm bảo minh bạch về thủ tục, tránh quy định mang tính định tính, gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Đồng thời một số nội dung còn chung chung, đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm.

PVKT
Cùng chuyên mục