Vì đâu "kỳ lân" WeFit phá sản?
Sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020, WeFit (hiện đổi tên thành WeWow) lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do Covid-19.
Trong tâm thư gửi tới khách hàng, Wefit viết: "Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm 2020. Mặc dù rất cố gắng cải tổ, chúng tôi lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn".
Đại diện WeFit cho biết, đang làm việc với các bên thứ ba để có thể chuyển đổi quyền lợi cho khách hàng hoặc tìm ra giải pháp thỏa thuận tốt nhất.
Ứng dụng WeFit chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản. Ứng dụng này nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành Fitness tại Việt Nam.
Những năm đầu tiên, cái tên WeFit cùng với Founder Khôi Nguyễn nổi lên như một hiện tượng. WeFit ngày ấy luôn đi kèm định vị "Uber của giới Fitness", khi Uber vẫn còn là cái tên đầu bảng của nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy).
Đầu năm 2019, WeFit (với tên công ty đăng ký là CTCP Công nghệ Onaclover) công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.
Tuy nhiên, mô hình của WeFit là cung cấp "một bữa buffet" KHÔNG GIỚI HẠN cho tất cả người dùng và trả tiền THEO LƯỢT cho các đối tác phòng tập. Hiểu nôm na, người dùng càng đi tập nhiệt tình, các đơn vị trung gian càng lời ít, thậm chí bù lỗ để sinh tồn.
Với những thứ dán mác "không giới hạn", thường người ta càng cố xài thật nhiều. WeFit không chỉ gặp vấn đề khi các khách hàng của mình quá yêu thể thao, mà còn phải đối mặt với tình trạng booking ảo.
"Nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng – đỉnh điểm là 202 lần/tháng", tân CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng chia sẻ hồi đầu tháng 3/2020 trong tâm thư gửi khách hàng và đối tác.
Trong khi chưa vá được "lỗ hổng" cheating mảng Fitness, WeFit lấn sân sang mảng Beauty, ra mắt thương hiệu WeJoy và đổi tên startup thành WeWow.
Tình trạng mất cân đối dòng tiền ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cuối tháng 12, cuộc khủng hoảng chính thức nổ ra trên mặt trận truyền thông. Salsa Spring, Beso Latino, F&P Dance Studio, GymPlus, Divine Yoga &Dance Studio... - các đối tác phòng tập lần lượt tuyên bố công khai ngừng hợp tác với WeFit. Lý do phần lớn là không thanh toán công nợ như cam kết, có nơi công nợ lên đến 100 triệu đồng.
Đầu tháng 2/2020, Khôi Nguyễn rời ghế CEO, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay. Khôi từng lọt vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2017; top 3 CEO tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 và từng vào danh sách "30 under 30 Việt Nam" do Forbes bình chọn.