Vì sao 5 năm dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa khởi công?

06/12/2019 18:13 GMT+7
Mặc dù dự kiến đầu quý I/2020, giai đoạn 1 của Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ hoàn thành và cung cấp 300.000m3 nước/ngày đêm cho Hà Nội. Tuy nhiên đến nay Dự án có mức đầu tư gần 3.700 tỷ đồng này vẫn... chưa được khởi công.

Tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hà Nội chiều qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải trình 23 vấn đề được các đại biểu chất vấn, trong đó có vấn đề giá nước sạch sông Đuống và nhà máy nước mặt sông Hồng.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, giá nước bán cho người dân từ năm 2013 đến nay vẫn được giữ nguyên. Thành phố có thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng “là để phục vụ cho họ lập dự án”. Tương tự, thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Hồng tại Đan Phượng là 10.365 đồng, “cũng để cho họ lập dự án”.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng được Hà Nội chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2015 có công suất 300.000m3 nước/ngày đêm. Tổng đầu tư là hơn 3.600 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và huy động hợp pháp. Dự án dự kiến khởi công quý I/2016 và hoàn thành vào cuối năm 2020.

 
Vì sao 5 năm dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa khởi công? - Ảnh 1.

Nhà máy nước mặt sông Hồng nằm trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP nước mặt sông Hồng gồm 3 cổ đông là Công ty CP Tập đoàn Thành Long chiếm 79% vốn, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đóng góp 20% vốn và Công ty Hạ tầng Nước sạch Hà Nội góp 1% vốn.

Công nghệ xử lý nước thô được đề xuất là: Sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử trùng - bể chứa nước sạch.

Được biết, công suất thiết kế giai đoạn I (2020) là 300.000 m3/ngày đêm; Giai đoạn II (2030) là 450.000 m3/ngày đêm đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng bao gồm: đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 (thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng).

Ngoài ra hệ thống tuyến ống truyền dẫn cấp nước của Dự án theo Quy hoạch có đảm bảo sự kết nối mạng vòng và an toàn cấp nước giữa phạm vi phục vụ của các nhà máy, trong đó có hỗ trợ cấp nước cho khu vực huyện Hoài Đức.

Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm 2020 nhưng đến nay dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa có dấu hiệu...khởi công.

Vì sao 5 năm dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa khởi công? - Ảnh 2.

Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng được Hà Nội chấp thuận đầu tư từ tháng 10/2015. Ảnh TPO

Lý giải sự chậm trễ này, tại buổi giám sát của HĐND TP Hà Nội cuối tháng 8/2018, đại diện Công ty CP nước mặt sông Hồng cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ là do kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của tuyến ống truyền dẫn nước sạch chưa được phê duyệt.

Công tác GPMB các tuyến ống chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về đơn giá bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất khi thi công xây dựng tuyến ống cho người dân để quá trình thi công tuyến ống được thuận lợi và nhanh chóng.

Hơn nữa, dự án bãi thải Trung Châu (xã Trung Châu, Đan Phượng) chưa được triển khai nên nhà đầu tư phải tính đến phương án xử lý bùn an toàn tại nhà máy.

Đặc biệt, dự án chưa có cam kết bao tiêu nước của Công ty Nước sạch Hà Đông mặc dù Công ty Nước sạch Hà Nội đã có 2 văn bản đề nghị Công ty Nước sạch Hà Đông có thỏa thuận đấu nối và bao tiêu nước vào tháng 9/2016 và tháng 8/2017.

Do vậy, chủ đầu tư dự án Nhà máy Nước sạch sông Hồng kiến nghị, cần có hướng dẫn cụ thể về đơn giá bồi thường, hạn chế khả năng sử dụng đất khi công xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước sạch.

Mới đây, tại phiên giải trình về cung cấp nước sạch trên địa bàn của HĐND TP.Hà Nội, nhiều đại biểu tập trung nêu hiện trạng có tới hơn một nửa các dự án cấp nguồn nước chậm tiến độ, thậm chí có dự án chưa triển khai. Một số dự án dang dở, xuống cấp dù chưa hoàn thành...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong hơn 1 năm qua, TP đã cho triển khai 11 dự án. Hiện đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Ứng Hòa…

"Công ty Cổ phần nước mặt sông Hồng cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ, từ nay đến hết quý III/2019, nếu Công ty này không thực hiện TP sẽ xem xét để thay thế", ông Dục nói và cho biết, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết năm 2019, dự án nhà máy nước mặt sông Hồng vẫn chưa thể khởi công.

Ông Trần Quang Hưng, nguyên Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đề án nghiên cứu sử dụng nước mặt sông Hồng làm nước sinh hoạt đã có từ 20 năm trước. Tuy nhiên do yếu tố an ninh chưa được tính hết, lại khó kiểm soát nên khó triển khai. Theo ông Hưng, thượng nguồn sông Hồng bắt nguồn từ nước ngoài, nguy cơ ô nhiễm của sông Hồng rất lớn do chảy qua nhiều khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của nước bạn và Việt Nam. "Với các nhà máy nước sinh hoạt, điều quan trọng là phải quan trắc được các chất thải công nghiệp và có thể xử lý được chúng, vì những nguy cơ này sông Hồng luôn có", ông Hưng nói.

Ong Lý/Dân Việt
Cùng chuyên mục