Vì sao TP HCM không công khai 124 dự án bị rà soát, thanh tra?
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP HCM năm 2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea), cho biết trong hơn 2 năm qua, TP có trên 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Đến nay, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trung ương và lãnh đạo TP đã cho phép 124 dự án, chiếm 78% số dự án bị rà soát, được hoạt động trở lại bình thường nhưng không bố danh sách những dự án này để dư luận được rõ.
Trước đó, Horea từng đề xuất TP công khai danh sách các dự án bị tạm ngưng do thanh tra, rà soát được tiếp tục triển khai để minh bạch thị trường, chủ đầu tư yên tâm, người dân nắm thông tin.
Cũng liên quan đến thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu nhận xét lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, nhiều khu chung cư cũ, khu dân cư cũ, lụp xụp chưa được chỉnh trang, tái phát triển. Tình trạng tự phân lô, thửa tràn lan, tự phát, kiểu vết dầu loang ở một số quận ven và huyện ngoại thành đang đe dọa phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.
"Thị trường bất động sản TP phát triển chưa lành mạnh, chưa ổn định và bền vững. Rất thiếu loại căn hộ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà cho thuê giá thấp, để đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư" – ông Châu nói.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết doanh nghiệp bất động sản quan tâm đầu tư vào nhiều dự ánTP HCM kêu gọi đầu tư
Trao đổi bên lề hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến giải thích vì sao không công khai danh sách những dự án này. Theo ông Tuyến, trong tổng số các dự án bị rà soát, thanh tra, đã có 124 dự án được hoạt động bình thường trở lại và nhà đầu tư, doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai. Có dự án đang tới giai đoạn đóng tiền sử dụng đất thì tạm ngưng vì bị thanh tra, nay các sở ngành tiếp nhận lại quá trình này. Các doanh nghiệp có dự án cũng biết hết và đang triển khai dự án.
"Việc TP không thông tin cụ thể tên dự án nào cũng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tránh tâm lý người dân lo ngại dự án từng bị rà soát, thanh tra. TP đã công khai việc mời từng doanh nghiệp lên và thông báo cho phép triển khai dự án trở lại" - ông Tuyến nói.
Liên quan đến 210 dự án TP mời gọi đầu tư, ông Lê Hoàng Châu cho biết doanh nghiệp bất động sản quan tâm và muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 9 dự án thương mại dịch vụ.
Horea đề nghị UBND TP chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía đông TP, dự án Bình Qưới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...
"Đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị, gian nan nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Horea được biết UBND TP đã kiến nghị Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư" - ông Châu nói.
Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP HCM
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận TP rất quan tâm việc thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư. Đối với những dự án liên quan thu hồi đất thường kéo dài, TP đã kiến nghị Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương. Ngoài ra, TP cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ nghị quyết về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư từ 420 ngày rút ngắn còn trên 100 ngày (nếu làm tốt). Bởi nếu giai đoạn bồi thường kéo dài sẽ ảnh hưởng vốn đầu tư của doanh nghiệp, trả lãi ngân hàng…
"Với những quy trình nội bộ, quan điểm của TP là phải minh bạch, công khai, sẽ áp dụng công nghệ để người dân, doanh nghiệp biết tiến độ của từng dự án, pháp lý, vị trí. Người dân mua nhà ở thương mại sẽ biết pháp lý dự án ra sao, thủ tục đang đến đâu, doanh nghiệp chuyển nhượng dự án biết pháp lý thế nào… nhằm hạn chế tối đa tranh chấp. Nội bộ các sở ngành cũng phải minh bạch công khai thủ tục dự án và TP sẽ kiểm soát để chấn chỉnh" – ông Tuyến khẳng định.