WHO chưa coi virus Corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 26,18 điểm, tương đương 0,09% xuống còn 29.160,09 điểm trong khi S & P 500 tăng 0,11% lên 3.325,54 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 9.402,48 điểm, tiếp tục giữ vững mức đỉnh kỷ lục. Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong bối cảnh mối lo ngại về dịch virus Corona tại Trung Quốc đã bắt đầu lắng xuống.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 23/1 tuyên bố là quá sớm để kết luận sự bùng phát của virus Corona là một vấn đề y tế khẩn cấp với toàn cầu. Chứng khoán Mỹ đã phục hồi từ mức giảm sau kết luận đó.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trả lời trong cuộc phỏng vấn báo giới tại Geneva trong cùng ngày: “Đây có thể xem là một trường hợp y tế khẩn cấp tại Trung Quốc, nhưng vẫn chưa được coi là tình trạng y tế khẩn cấp với toàn cầu”. Việc WHO tuyên bố một dịch bệnh là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế” sẽ cho phép các quốc gia tăng cường các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh ở quy mô quốc tế, có thể bao gồm cả những biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới.
Thông tin lạc quan này đã đẩy cổ phiếu các hãng hàng không Mỹ tăng mạnh, khi American Airlines tăng 5,42% còn United Airlines tăng 1,85%. Cổ phiếu các công ty công nghệ sinh học như Gilead Sciences và Inovio Pharmaceuticals cũng tăng lần lượt 0,8% và 11,63%.
Số liệu tính đến hết ngày 23/1, đã có 18 người tử vong và khoảng 650 ca nhiễm dịch virus Corona, một dạng viêm phổi cấp bắt nguồn từ một khu chợ hải sản tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc, nhất là các thành phố và thị trấn giáp Vũ Hán hiện đã bắt đầu triển khai lệnh cách ly khi đình chỉ toàn bộ phương tiện giao thông công cộng trong và ngoài thành phố. Cùng với Vũ Hán; thêm 3 địa phương bị ban hành lệnh “cách ly” bao gồm Hoàng Cương, Xích Bích và Ngạc Châu, đưa tổng số dân thuộc diện cách ly lên tới khoảng 20 triệu người.
Gauden Galea, quan chức đại diện của WHO tại Bắc Kinh trả lời tờ Reuters cho hay chiến dịch cách ly dân số hiện tại của Trung Quốc là “chưa từng có trong lịch sử ngành y tế”. Các quan chức y tế nước này cho rằng các biện pháp tương tự là cần thiết do quan ngại tốc độ lây lan dịch bệnh sẽ tăng nhanh do nhu cầu di chuyển của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO vẫn chưa đưa ra khuyến nghị nào liên quan đến hạn chế di chuyển cũng như cách ly người dân.