WTO dự báo dòng chảy thương mại toàn cầu nứt gãy do đại dịch Covid-19
Chỉ số thương mại toàn cầu (Global Trade Barometer – GTB) hiện đã giảm xuống 87,6, mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu thống kê năm 2016. Chỉ số trung lập là 100, mức chỉ báo dưới 100 phản ánh sự sụt giảm kim ngạch thương mại.
Chỉ số thống kê được WTO phát hành dựa trên những dữ liệu kinh tế quan trọng như đơn hàng xuất khẩu toàn cầu, khối lượng vận tải hàng không quốc tế, sản lượng container tại cảng, các lô hàng ô tô, linh kiện điện tử và nguyên liệu nông sản… Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới, tất cả các dữ liệu để đo lường chỉ số đều cho thấy mức suy yếu dưới 100. Trong đó, chỉ số thương mại ngành công nghiệp ô tô chạm đáy 79,7 do doanh số bán xe suy yếu ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Chỉ số các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm xuống 83,3, báo hiệu sự giảm tốc kim ngạch thương mại toàn cầu trong ngắn hạn.
Kết quả đo lường phù hợp với tình hình kinh tế toàn cầu, khi nhiều chính phủ chưa dỡ bỏ lệnh hạn chế kiểm dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2.
Trước đó, WTO từng dự báo cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 sẽ khiến kim ngạch thương mại toàn cầu lao dốc 13-32% trong năm 2020, tùy thuộc vào thời gian kéo dài dịch bệnh. Dòng chảy thương mại toàn cầu còn chịu áp lực lớn khi hơn 90 quốc gia áp đặt hạn chế xuất khẩu vật tư y tế và thực phẩm để đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát đưa nền kinh tế toàn cầu vào viễn cảnh suy thoái, Trung Quốc khó có thể thực hiện đầy đủ các cam kết nhập khẩu hàng hóa dịch vụ quy mô lớn như vậy.
Trong khi đó, các căng thẳng thương mại mới cũng bắt đầu nảy sinh. Bắc Kinh mới đây vừa áp lệnh cấm nhập khẩu bò Úc với 4 công ty chế biến thịt hàng đầu Australia, đồng thời áp thuế chống bán phá giá lên tới 80,5% với mặt hàng yến mạch Úc. Các động thái được đưa ra sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19, điều khiến Bắc Kinh giận dữ.
Tổ chức thương mại Thế giới nhận định tăng trưởng kim ngạch thương mại đã bị kìm hãm bởi những bất ổn dai dẳng và hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ ở các nền kinh tế lớn.
Trung Quốc báo cáo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong tháng 4 do sự tăng mạnh các lô hàng vật tư thiết bị y tế. Nhưng nhiều nhà phân tích dự báo xuất khẩu của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sụp đổ trong tháng 5 và tháng 6 khi nhu cầu quốc tế giảm mạnh, các thị trường lớn bao gồm Mỹ và Châu Âu gần như đóng băng.
Hơn 36,5 triệu người Mỹ đã mất việc trong 2 tháng qua, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu dùng có thể giảm mạnh và không thể phục hồi cho đến nửa cuối năm nay. Trung Quốc chỉ báo cáo tỷ lệ thất nghiệp 6% trong tháng 4, nhưng các ước tính chỉ ra con số thất nghiệp thực tế có thể lên tới 80 triệu người do thống kê của chính phủ đã bỏ qua hàng chục triệu lao động nhập cư và lao động ở các vùng nông thôn. Tại nhiều quốc gia khác, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức kỷ lục do các biện pháp phong tỏa quốc gia, cách ly xã hội buộc các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, nhà máy… ngừng hoạt động.
Nhìn chung, cú sốc cầu to lớn và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh sẽ là lực cản lớn cho tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 1-2 năm tiếp theo, WTO nhận định.
Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thì dự báo kinh tế toàn cầu suy yếu 3% trong năm 2020, kịch bản bi quan hơn nhiều so với những gì WTO dự báo.