Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp vùng ĐBSCL

16/02/2020 14:05 GMT+7
Việc xâm nhập mặn sâu hơn, nhanh hơn và nồng độ cao hơn khiến đồng bằng sông Cửu Long năm nay sẽ phải gánh chịu những tác động không hề nhỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ ngày 8/2 đến ngày 16/2/2020 xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao theo kỳ triều cường giữa tháng 1 Âm lịch, đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Xâm nhập mặn khiến cuộc sống của những người nông dân càng thêm khổ cực

Còn thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, toàn vùng ĐBSCL bị thiệt hại khoảng 29.700ha lúa do hạn mặn. Đó chỉ mới là những thống kê thiệt hại ban đầu. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, sẽ có khoảng 332.000ha lúa Đông Xuân, 136.000ha cây ăn quả ở ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Thời gian tới, các diện tích đã thu hoạch lúa Đông Xuân chưa được xuống giống vụ Hè Thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp. Đối với việc bảo vệ các diện tích cây ăn quả, do có những giải pháp kịp thời đến nay chưa bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nông nghiệp vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Cần Thơ là địa phương thứ 11 ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập

Hiện nay, có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt, trong đó, Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ đòi hỏi cần có các giải pháp để khắc phục kịp thời.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ là địa phương thứ 11 ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập. Đó là Cảng Cái Cui, ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ nằm ven sông Hậu và cách cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng khoảng 100km.

Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong mùa khô năm 2019 - 2020, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi sát tình hình, cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước; tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019- 2020;…

Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn, giải pháp được đưa ra là khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch….

Mai Trang
Cùng chuyên mục