Xuất khẩu gạo nửa đêm, Intimex trúng 25% hạn ngạch: Tổng cục Hải quan nói gì?

19/04/2020 07:53 GMT+7
Intimex đăng ký xuất khẩu thành công 102 tờ khai, với 96.234 tấn, trong tổng số 400.000 tấn gạo mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4/2020.

Mở tờ khai xuất khẩu nửa đêm, Intimex thắng đậm

Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian từ 0h – 6h15 ngày 12/4 có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đăng ký qua tờ khai xuất khẩu là 399.989,43 tấn.

Như vậy, hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn sẽ không được hệ thống tiếp nhận.

Xuất khẩu gạo nửa đêm, Intimex trúng 25% hạn ngạch: Tổng cục Hải quan nói gì? - Ảnh 1.

Intimex thắng lớn trong "cuộc đua" mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0 giờ.

Sau thời điểm 6h15 có 2 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp đăng ký tờ khai thời điểm trước đó, đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận.

Đáng chú ý, trong số hơn 399.000 tấn gạo đã đăng ký đợt đầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25% tổng khối lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Tuy nhiên, sau khi kết quả được công bố, nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng có dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo. Đơn cử, công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) có văn bản kêu cứu tới Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương vì cho rằng Hải quan mở hệ thống phần mềm khai hải quan điện tử không minh bạch.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty Trung An cho biết khoảng 14h46 ngày 11/4, công ty nhận được quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020.

Để kịp khai hải quan cho những lô hàng đang khai dang dở, từ 24/3 công ty đã cho nhân viên túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho đến 21h ngày 11/4. Tuy nhiên hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở, công ty cũng không tìm thấy bất kỳ thông tin công bố hoặc công văn có liên quan về việc mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai và thông quan hàng gạo.

Khi doanh nghiệp lên hệ thống phần mềm hải quan điện tử VNACCS để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được thông báo từ hệ thống với nội dung: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở trung tâm”.

Tới sáng 12/4, công ty này tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đủ chỉ tiêu.“Quá bức xúc, công ty đã liên hệ một số doanh nghiệp có nghiệp vụ về mạng và được biết Hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai vào lúc từ 0h ngày 11/4 đến 3h ngày 12/4 là đóng lại vì đủ hạn ngạch 400.000 tấn”, Công ty Trung An nêu trong văn bản và nhấn mạnh việc làm của Hải quan là không minh bạch.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 15/4 cũng có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác có liên quan về những bất cập, khó khăn gặp phải của các thương nhân khi mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo.

Theo VFA, 41/92 thương nhân có ý kiến gửi đến đơn vị này nhờ can thiệp, giúp đỡ liên quan đến vấn đề khai báo hải quan. Hầu hết đều khẩn thiết đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hải quan nói gì?

Trước phản ứng gay gắt của nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu gạo, ngày 17/4 Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 2280 ngày 25/3 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính.

Tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Về việc thực hiện quyết định số 1106 của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về xuất khẩu 400.000 tấn gạo, Tổng cục Hải quan cho biết văn bản này được ký ngày 10/4 và có hiệu lực từ 0h ngày 11/4. Tuy nhiên đến thời điểm văn bản có hiệu lực, Tổng cục Hải quan chưa nhận được quyết định này từ Bộ Công thương.

Đến 9h30 ngày 11/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công thương gửi qua thư điện tử và ngày 13/4 mới nhận được bản chính thức.

Video: Bộ Công Thương kiến nghị về xuất khẩu gạo

Căn cứ theo nguyên tắc quản lý hạn ngạch được Bộ Công Thương quy định tại quyết định nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4.

Việc trừ lùi sẽ được hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu là 400.000 tấn, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm Nghị định số107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và công văn số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020, có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trả lời báo chí tối 16/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết đã đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi trong chính sách xuất khẩu gạo.

Ông Cẩn nói với báo giới sẽ điều tra các đối tượng liên quan, thậm chí kể cả công chức hải quan có vi phạm. Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo để bộ này tổng hợp gửi Thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi), cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống.

Bộ Công Thương cũng có văn bản số 2683/BCT-XNK ngày 15/4/2020 gửi Bộ Tài chính vể việc triển khai thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020.

Bộ Công Thương đã chuyển Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao đối với phản ánh, kiến nghị của các thương nhân xuất khẩu gạo.

Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ Công Thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Đoàn kiểm tra sẽ do ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn. Trong đoàn cũng có đại diện của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Cục An ninh kinh tế tổng hợp Bộ Công an và đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch và ông Nam hiện giữ chức Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).

Thông tin công bố của Intimex Group cho thấy, trên cơ sở cổ phần hóa chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Intimex tại TP.HCM thành lập vào năm 1995 trực thuộc Công ty XNK Intimex (Bộ Công Thương), Công ty cổ phần XNK Intimex tại TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2006.

Năm 2011, đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group), phát triển theo định hướng "đa ngành, đa nghề, đa quốc gia".

Đến nay, Intimex Group có trên 900 lao động, vốn điều lệ là 223 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD /năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40 nghìn tỷ đồng.

Mạng lưới hoạt động "đa ngành, đa nghề, đa quốc gia" của Intimex trải dài từ Bắc đến Nam với 6 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên mà Intimex nắm giữ cổ phần chi phối, trong đó có 1 đơn vị thành viên được thành lập tại nước ngoài.

Trong lĩnh vực chế biến, Intimex sở hữu 11 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu chất lượng cao nằm ở các vùng trọng điểm sản xuất cà phê của Tây Nguyên, và các khu vực có vị trí thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam với tổng công suất đạt 570.000 tấn/năm.

Ngoài ra, Intimex còn có 1 nhà máy chế biến tiêu sạch xuất khẩu tại Bình Dương công suất 5.000 tấn/năm, 1 nhà máy chế biến gạo tại Đồng Tháp với công suất 150.000 tấn/năm, 3 phân xưởng chế biến điều xuất khẩu ở Tây Ninh và Bình Dương, 5 Trung tâm Thương mại tại Buôn Ma Thuột, Đắk Mil, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, 1 nhà máy sản xuất bê tông công suất 1,3 triệu m3/năm và 1 mỏ khai thác đá tại Đà Nẵng công suất 180.000 m3/năm, cùng với 1 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại Lâm Đồng công suất 30 triệu viên/năm.


Theo Hòa Bình/VTCNews
Cùng chuyên mục