Ý thức ngư dân quyết định gỡ "thẻ vàng" hay thêm "thẻ đỏ"
Tác động trực tiếp từ "thẻ vàng"
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019, chỉ đạt 251 triệu USD.
Trên thực tế, tấm thẻ vàng của EC đã khiến hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp Việt sang thị trường EU vốn đã khó nay càng thêm gian nan bởi những quy định kiểm tra ngày càng ngặt nghèo. Tuy nhiên có một nghịch lí xảy ra là, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ rất khả quan với tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018 (lên 494 triệu USD), thì xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn chưa được cải thiện. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường này vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 96 triệu USD, giảm 6,3%. Chỉ từ con cá ngừ cũng có thể thấy, thẻ vàng IUU đã có tác động như thế nào đến kim ngạch xuất khẩu.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cũng thấm thía tác động của thẻ vàng IUU đối với hai nhà máy gần 1.000 lao động của mình. Sau thẻ vàng, đơn hàng đi châu Âu của công ty bà bị kiểm tra 70-80%, các lô hàng thường bị ách lại 10-15 ngày, thậm chí 20 ngày, khiến chi phí tăng 15-20%. Doanh nghiệp thua lỗ từ 20 - 30 triệu USD/năm. Bi thảm hơn, công ty Phillips SeaFood của ông Đặng Thành Pha vốn chuyên về ghẹ, có trụ sở tại Khánh Hòa đã mất hẳn thị trường châu Âu sau thẻ vàng, vì không lấy được giấy phép, do nguyên liệu công ty nhập chủ yếu từ miền Tây với cảng Kiên Giang chưa được cấp phép.
Gỡ "thẻ vàng", quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân
Sau hàng loạt chính sách được đưa ra, các tỉnh ven biển đãvào cuộc khá quyết liệt như: Thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá; triển khai các luật, thông tư. Đặc biệt, các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cũng từng bước kiện toàn tốt hơn. Bên cạnh đó, việc kiểm soát sản lượng hải sản cập bến phục công tác truy xuất nguồn gốc; thu nộp nhật ký, báo cáo khai thác cũng đã có những tiến bộ rất tốt so với trước đây.
Bên cạnh những khó khăn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực khai thác thủy sản cũng như hạ tầng thì ý thức ngư dân là điều quan trọng nhất, bởi thực tế hiện nay, nhận thức của ngư dân vẫn còn chuyển biến chậm và chưa nhận thức rõ hậu quả của "thẻ vàng"
Ông Nguyễn Quang Hùng (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam (kể cả kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển...) rất hạn chế về nguồn lực, không thể kiểm soát hết được với gần 100.000 tàu cá và gần 1 triệu ngư dân. Quan trọng nhất là địa phương phải tuyên truyền cho bà con, khai thác hợp lý, không khai thác trộm. Chống khai thác bất hợp pháp chủ yếu là ý thức của ngư dân, phải chấp hành tuân thủ pháp luật. Đề nghị các địa phương có giải pháp tuyên truyền, vận động ngư dân. Ngư dân mà không tuân thủ, không hưởng ứng là rất khó".
Điều ngành thủy sản cần làm ngay bây giờ là hạn chế đến mức thấp nhất "thẻ đỏ" của EU. Nếu không một tháng nữa, ngành thủy sản có thể lâm vào "bi kịch"…