An Khang thua lỗ và lý do Thế giới Di động chưa đầu tư thêm
Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết chưa có ý định đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc An Khang vì môi trường kinh doanh ngành bán lẻ dược phẩm theo ông chưa thuận lợi.
Đầu năm 2018, Thế giới Di động mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Bán lẻ An Khang, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên. Đây là công ty liên kết duy nhất của tập đoàn này.
An Khang thua lỗ
Trên báo cáo tài chính, giá trị khoản đầu tư vào An Khang được doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam hạch toán 62 tỷ đồng. Chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động hiện có 20 cửa hàng tại TP.HCM.
Đến cuối 2019, Thế giới Di động cho biết phần lỗ lũy kế từ công ty liên kết là 5,6 tỷ đồng. Trong quý I, phần lỗ từ công ty An Khang trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động tăng thêm 1,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 7 tỷ đồng.
Do đó, giá trị còn lại của khoản đầu tư từ Thế giới Di động vào công ty An Khang được cấn trừ còn lại 55 tỷ đồng.
Một cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Thế giới Di động liệu doanh nghiệp có tính đến việc thoái vốn tại An Khang khi chuỗi nhà thuốc này hoạt động chưa hiệu quả. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định Thế giới Di động không phải là tổ chức tài chính để mua các công ty khác rồi bán kiếm lời.
“Dược phẩm vẫn là lĩnh vực thú vị nhưng có nhiều rào cản kỳ cục khiến Thế giới Di động chưa sẵn sàng đầu tư lớn, bài bản”, ông Tài cho biết.
Ông lấy ví dụ các nhà thuốc khi thành lập mang cùng một bảng hiệu của công ty nhưng người đứng tên đăng ký kinh doanh là cá nhân, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là lý do tập đoàn không sẵn sàng lao vào một cuộc chơi “lùng bùng” khi quy định pháp lý liên quan chặt chẽ nhưng việc thực thi chưa nhất quán.
Ông Tài cho biết nếu trong tương lai, khung pháp lý trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm nới lỏng, rõ ràng hơn, Thế giới Di động sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn.
Điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận
Trước thắc mắc của cổ đông về khả năng thua lỗ của Thế giới Di động trong năm nay, ông Nguyễn Đức Tài nhắc lại viễn cảnh này không thể xảy ra.
Theo ông Tài, nhờ thói quen tích lũy một phần đáng kể thu nhập, tác động của dịch bệnh đến sức mua của người tiêu dùng Việt Nam sẽ xuất hiện chậm hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sức mua sẽ giảm trong tương lai và công ty đang điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 theo hướng giảm.
Chủ tịch Thế giới Di động cho biết chưa thể công bố kế hoạch kinh doanh mới cụ thể vì ban điều hành chưa trình HĐQT. Tuy nhiên, công ty sẽ nỗ lực giữ lợi nhuận tối thiểu bằng 80% của năm trước.
Sau giai đoạn dịch bệnh, ông Tài đánh giá thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn. Dù vậy, các kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhưng quy mô so với ngành bán lẻ vẫn còn thấp.
Ông cho rằng thị phần của mua sắm trực tuyến với ngành hàng điện thoại, điện máy có thể sẽ chiếm tới 30% toàn thị trường nhưng chưa thể đạt đến mức 50%. Lý do là một trong những rào cản với người tiêu dùng khi mua sắm hàng công nghệ, điện tử trực tuyến vẫn là các chính sách hậu mãi, bảo hành, sửa chữa.
Chủ tịch Thế giới Di động nói thêm kênh bán hàng online của Bách Hóa Xanh đang phát triển tốt và không chạy theo mô hình “đốt tiền”. Các sản phẩm trên website của Bách Hóa Xanh có lợi nhuận gộp tương tự tại cửa hàng với giá bán tương đương. Công ty dự định sẽ mở thêm nhiều trung tâm phân phối phục vụ kênh bán hàng online tại TP.HCM để rút ngắn quãng đường giao hàng, qua đó giảm chi phí.