Bất động sản công nghiệp đang đứng trước cơ hội bùng nổ
Bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về bất động sản công nghiệp, chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội này…
Tuy nhiên, ngoài những điểm mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những khó khăn nhất định. Đơn cử, đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng.
Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2017, Chính phủ đã có biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel cũng đang điều chỉnh xuống – không còn sôi động như giai đoạn 2015 - 2017…
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
Với mục tiêu, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản công nghiệp, các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp sẽ có những bài phát biểu, chia sẻ toàn diện cũng như cụ thể nhất tại diễn đàn. Bên cạnh đó, diễn đàn là cơ hội để các địa phương thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực bất động sản, phát huy tiềm năng địa phương.
Ông Nam cũng nhấn mạnh: “Trong xu thế thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có”.
Cũng tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: "Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: Chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...
Tuy nhiên, sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều những bất cập: Hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, đóng góp của KHC, KKT vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng, định hướng chính sách của Nhà nước đã có nhưng chưa rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%; 885 KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã có sự khôn khéo, linh hoạt hơn trong việc cơ cấu loại hình và quy mô sản phẩm, tránh đi phải vết xe đổ của thị trường giai đoạn 2008 - 2013, còn người dân cũng bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong việc mua bán, đầu tư vào bất động sản. Các dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng nhiều hơn, trong khi cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp cũng sát hơn với nhu cầu ở thực của người dân